(HNM) - Phải khẳng định, trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình nói chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Trong bối cảnh ấy, điều đáng mừng là kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kết quả nổi bật là các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, đặc biệt là công nghiệp tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm trong quý I-2023 (giảm 2,2%), với mức tăng tháng 4 là 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ vững chắc trong khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,41% so với cuối năm 2022. Du lịch tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, trong 4 tháng qua đã có 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước. Các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực được tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả; công tác quy hoạch được chú trọng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục cải thiện; Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên 65 trong năm 2023.
Chúng ta có thêm sự tự tin cho chặng đường tiếp theo khi các tổ chức quốc tế đánh giá tốt về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cùng những dự báo lạc quan trong thời gian tới. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh nhờ phản ứng chính sách kịp thời trong kiểm soát dịch bệnh; tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiệu quả cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, tạo điều kiện tiền đề, nền tảng để tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Thành tựu đạt được là đáng khích lệ, song chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, đặc biệt là nhận diện khó khăn cả ở trong nước và trên bình diện thế giới để có đối sách hiệu quả. Đó là, trên thế giới, tăng trưởng giảm, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao; sức mua của các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn, truyền thống của Việt Nam bị sụt giảm. Ở trong nước, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong. Đáng nói, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng… Việc triển khai một số chính sách trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, chi phí đầu vào tăng, tiếp cận vốn ở một số nơi chưa thuận tiện… Các động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có xu hướng suy giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt 15,65% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (18,48%)…
Thể hiện quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023 diễn ra vào ngày 5-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần qua các tháng, cần ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng song vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn chung, ổn định kinh tế vĩ mô là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung sức, đồng lòng, cùng vì mục tiêu chung. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư tư nhân, tháo gỡ mọi rào cản, huy động hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị xã hội về lao động, môi trường, tạo thuận lợi cho các thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động, nâng cao năng suất lao động. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chính là điều kiện quan trọng để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; và xa hơn là nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của nền kinh tế nước ta trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.