Sáng 17-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị giao ban trực tiếp kết hợp trực tuyến với các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của các tỉnh ủy, thành ủy.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban đảng Trung ương, đại diện Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; các đồng chí Thường trực, Trưởng các ban Đảng, chánh văn phòng của 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Thành ủy Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là trưởng các ban Đảng Thành ủy...
Nhiều địa phương hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu
Báo cáo hội nghị nêu rõ, năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; các tỉnh ủy, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhiều vấn đề, sự kiện kinh tế, địa chính trị thế giới và khu vực diễn biến bất thường, phức tạp hơn so với dự báo.
Trong bối cảnh đó, các tỉnh ủy, thành ủy đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, sâu sát và linh hoạt; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các nghị quyết, chỉ thị, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chỉ đạo tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy giữa nhiệm kỳ và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo theo Quy định số 96-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị.
Các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, những vụ việc phức tạp ngay từ đầu. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Thực hiện nghiêm các quy định, kết luận của Trung ương về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế; xây dựng đề án, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ các nhiệm kỳ. Hoàn thành kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát các cấp; khắc phục tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước. So với hai năm 2021, 2022, số cuộc kiểm tra, giám sát, số tổ chức, đảng viên được kiểm tra, giám sát tăng; thi hành kỷ luật Đảng tăng...
Năm 2023, việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết cũng như kế hoạch phát triển trong năm của các địa phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều địa phương đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức đại đa số các nhóm chỉ tiêu kế hoạch: Có 3 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các nhóm chỉ tiêu/chỉ tiêu năm 2023, gồm: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hậu Giang. Một số địa phương hoàn thành, đạt kết quả cao các chỉ tiêu quan trọng như: GRDP, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, giảm nghèo... gồm: Bắc Giang, An Giang, Bình Định, Cà Mau, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các địa phương dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết có xu hướng quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Có 7 địa phương tăng trưởng 2 con số, dẫn đầu là Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Quảng Ninh 11,03%, Khánh Hòa 10,55%, Hải Phòng 10,34%, Nam Định 10,19% và Hưng Yên 10,05%. Đa số địa phương đạt mức cao hơn mức bình quân chung cả nước. Có 14 địa phương có mức tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch…
Hầu hết các địa phương có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ của kinh tế các địa phương, phát triển ổn định (tăng trưởng từ 2 - 5%). Dịch vụ, thương mại duy trì đà phát triển từ năm trước, trong đó, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng từ trên 10% đến 15% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Khác với năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của hầu hết các tỉnh, thành phố đều gặp khó khăn, hụt thu khoảng từ 10 - 20% so với dự toán, không đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động xuất, nhập khẩu cuối năm có sự cải thiện so với đà sụt giảm những tháng đầu năm nhưng đa số địa phương không đạt kế hoạch đề ra và nhập khẩu vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với xuất khẩu. Riêng thu hút đầu tư nguồn vốn trực tiếp nước ngoài sôi động hơn nhiều so với năm 2022.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đều có xu hướng giảm; một số địa phương giảm xuống dưới 1%; có tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Các nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện đồng bộ; chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện, đồng bộ cả về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với số đoàn ra/đoàn vào tăng cao so với năm 2022.
Quyết tâm dồn lực thực hiện các mục tiêu còn đạt thấp
Tại hội nghị, các ý kiến tập trung phân tích, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ ở các địa phương. Đặc biệt là những rào cản dẫn đến kết quả các chỉ tiêu phát triển cơ bản không đạt kế hoạch đề ra, nhất là chỉ tiêu GRDP, thu ngân sách, công nghiệp và xuất khẩu, số doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động. Nhiều ý kiến đánh giá, sau cuộc giao ban 6 tháng đầu năm, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đã nghiêm túc, kịp thời triển khai kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư; bám sát 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong Thông báo kết luận số 29-TB/TƯ của Bộ Chính trị nên đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, tạo tiền đề đạt các kết quả cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực trong thực hiện nhiệm vụ cả năm 2023.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; những kết quả khá toàn diện trong phát triến kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của các địa phương. Trong bối cảnh một năm thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn, các địa phương đã bám sát, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chủ động, linh hoạt trong triển khai, thực hiện.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho biết, sắp tới, Bộ Chính trị sẽ họp, ban hành văn bản chỉ đạo để các địa phương kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Đồng chí lưu ý, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là những quyết sách quan trọng ban hành mới đây về công tác xây dựng Đảng, về quản lý đất đai, phát triển nguồn nhân lực, kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực quản lý...
Phân tích về tình hình, bối cảnh hiện tại, về kết quả thực hiện chỉ tiêu nghị quyết, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu cả nhiệm kỳ để nhận diện rõ, quyết tâm dồn lực cho các mục tiêu còn đạt thấp, chưa hoàn thành, khắc phục những điểm yếu, hạn chế, phát huy những tiềm năng, thế mạnh ở địa bàn. Trong đó, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, những lĩnh vực động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; quan tâm tới công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững... Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, đồng thời, bảo đảm chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng ở khu vực ngoài nhà nước...
Về kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị, các ban Đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương chỉ đạo, xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; trả lời các tỉnh ủy, thành ủy theo thời hạn cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.