(HNM) - Dự kiến từ tháng 9-2022, tỉnh Bình Dương sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy; hướng tới thực hiện "3 không" - không dùng tiền mặt, không nhận hồ sơ giấy, không cần đến Trung tâm hành chính công. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp...
Đến công chứng giấy tờ tại phường Phú Lợi, bà Đào Thị Lài (ở đường Lê Thị Trung, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, việc công chứng tại phường rất thuận lợi và nhanh chóng, chỉ chưa đầy 10 phút, bộ phận "một cửa" của phường đã tiếp nhận và xử lý xong hồ sơ.
Theo UBND thành phố Thủ Dầu Một, đến nay, thành phố có 10/10 phòng thuộc các cơ quan, đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015; có 5 thủ tục nội bộ theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 và 242/281 thủ tục hành chính đã chuẩn hóa theo quy trình ISO được UBND tỉnh Bình Dương công bố.
Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc cho biết, thời gian tới, UBND thành phố Thủ Dầu Một sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đề ra các mô hình hay, sáng kiến cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng hoạt động hành chính, chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của tổ chức, công dân. “Giảm thấp nhất số hồ sơ giải quyết trễ hẹn không có lý do chính đáng, phải nghiêm túc xin lỗi tổ chức, người dân khi để xảy ra hồ sơ trễ hẹn”, bà Nguyễn Thu Cúc nhấn mạnh.
Một trong bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương là việc tập trung các cơ quan hành chính của tỉnh vào khu Trung tâm hành chính đã đem lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. “Thay vì phải đến nhiều sở, ngành để hoàn tất các loại giấy tờ thì nay doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần đến Trung tâm hành chính tỉnh là được giải quyết nhanh gọn các thủ tục, giấy tờ liên quan”, anh Nguyễn Trung Dũng, chủ một công ty tư nhân về sản xuất bao bì trên địa bàn tỉnh Bình Dương phấn khởi.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho hay, việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm hành chính tỉnh đã giúp tiết kiệm về thời gian, kinh phí, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 18/19 sở, ban, ngành và 8/9 địa phương thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số; 14/19 sở, ban, ngành và 6/9 địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Dương đã triển khai được 1.159 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cấp tỉnh, huyện, xã. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm hành chính công đạt gần 99%, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết mức độ 3 và 4 tăng gần 78% so với cùng kỳ năm 2021.
Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Theo đó, tập trung vào 7 nhóm nội dung, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Song song đó, phấn đấu cải thiện điểm số và nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh để đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt tối thiểu 90%...
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, công tác cải cách hành chính được Bình Dương xác định là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Dự kiến từ tháng 9-2022, Bình Dương sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy; hướng tới thực hiện "3 không" - không dùng tiền mặt, không nhận hồ sơ giấy, không cần đến Trung tâm hành chính công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.