(HNMO) - Hôm nay (11-8), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam giới thiệu chương trình “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”.
Giáo sư Hoàng Chương giới thiệu về dự án tuyên truyền văn hóa giao thông bằng các hình thức nghệ thuật. |
Theo Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam: Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai dự án Văn hóa giao thông từ năm 2010 và đang tiếp tục thực hiện tới năm 2020.
Từ năm 2013 tới năm 2016, Trung tâm đã phát động nhiều chương trình như: thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh chủ đề văn hóa giao thông, hàng năm có trên 3.000 bức tranh từ các tỉnh, thành góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông lan tỏa trong xã hội.
Ngoài các triển lãm tranh, Trung tâm còn thực hiện chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ với các hình thức nghệ thuật dân tộc đó là múa rối nước, hát xẩm, hát văn, quan họ Bắc Ninh được nghệ sĩ thể hiện tài tình khi lồng ghép văn hóa giao thông. Đó là múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, chương trình của nhóm xẩm Hà Thành.
Năm 2017, Trung tâm tiếp tục cho ra mắt MV nghệ thuật “Văn hóa giao thông” với 7 ca khúc: “Mười nhớ”, “Con đường Việt Nam”, “Mười đặc trưng văn hóa giao thông”, “Lời dặn khi tham gia giao thông”, “Con đường vui”, “Người tình nguyện”, “Nghe lời em nói”… Qua MV này, những quy định của luật giao thông và cách ứng xử văn hóa tham gia giao thông được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, sinh động, dễ thấm vào lòng người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.