(HNMO) - Chiều 2-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đi thăm, làm việc với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội; kiểm tra một số công trình phục vụ SEA Games 31 tại Hà Nội.
Tham gia đoàn có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng; Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đoàn đã kiểm tra Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Cầu Giấy, nơi tổ chức môn wushu và Cung Điền kinh Hà Nội, nơi tổ chức môn kiếm quốc tế. Đoàn đã tới thăm Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội, trực tiếp thị sát điều kiện tập luyện, ăn, ở, sinh hoạt của các vận động viên cấp cao Thủ đô.
SEA Games 31 diễn ra từ ngày 21-11-2021 đến 2-12-2021 tại Việt Nam, có sự tham dự của 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Với 40 môn thi đấu, các hoạt động chủ yếu của SEA Games 31 chủ yếu tập trung tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận; trong đó Hà Nội có 16 địa điểm tổ chức 20 môn và phân môn thi đấu. Hà Nội còn là địa điểm tổ chức ASEAN Para Games 11 với 11 môn thi đấu (diễn ra từ ngày 17-12 đến 23-12-2021). Trong đó, Hà Nội có nhiệm vụ rất quan trọng là chủ trì tổ chức lễ khai mạc, lễ bế mạc SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đến nay, 100% công trình phục vụ tổ chức hai sự kiện thể thao trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, trong đó có 8 công trình phục vụ thi đấu và tập luyện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý và 12 quận, huyện có địa điểm thi đấu đã hoàn thành các bước chuẩn bị triển khai dự án. Một số đơn vị như quận Hà Đông, huyện Thanh Trì đã khởi công, tu sửa các công trình; các đơn vị khác sẽ đồng loạt thực hiện ngay trong quý I-2021 để hoàn thành trước ngày 30-9-2021.
Về lực lượng, Hà Nội dự kiến đóng góp ít nhất 30% trong tổng số cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài của đoàn Việt Nam tham dự SEA Games 31. Tính đến hiện tại, Hà Nội đã có 38 huấn luyện viên và 168 vận động viên tại 20 môn được triệu tập tham gia đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia. Đoàn thể thao Hà Nội phấn đấu giành nhiều huy chương, góp phần để Đoàn thể thao Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.
Trong năm 2020, mặc dù phải hạn chế tối đa việc tập luyện cũng như triển khai các chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài, thậm chí các đợt tập huấn, thi đấu trong nước cũng bị hoãn do dịch Covid-19, nhưng thành tích thi đấu của các bộ môn tại các giải thi đấu trong nước của thể thao Hà Nội vẫn được giữ vững. Tiêu biểu, vận động viên Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bộ môn bắn cung) đã xuất sắc vượt qua vòng loại tham dự Olympic Tokyo.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội chưa xứng tầm. Hiện nay, sự cạnh tranh về thể thao thành tích cao không chỉ ở ngoài nước, mà ngay ở trong nước cũng ngày càng khốc liệt. Nếu Hà Nội không đầu tư xứng đáng, không có chế độ đặc thù thì sẽ khó thu hút hoặc giữ chân vận động viên giỏi, có nguy cơ giảm thành tích.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo các sở, ngành đều nhất trí cao về chủ trương, cơ chế và sớm thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp 10 công trình phụ trợ phục vụ theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; trong đó có các công trình nằm trong Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội là 4 đơn nguyên nhà ở vận động viên và nhà ăn vận động viên. Đáng chú ý, theo đề xuất của Sở Nội vụ Hà Nội, HĐND thành phố cần sớm có nghị quyết riêng về cơ chế đặc thù cho vận động viên cấp cao.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải sớm triển khai thực hiện cải tạo khu nhà ở vận động viên tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội; đồng thời phải khẩn trương tham mưu, đề xuất chế độ đặc thù cho vận động viên cấp cao để UBND thành phố trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Đây là nguồn động viên rất quan trọng đối với các vận động viên.
Điều chỉnh các chế độ, chính sách đối với thể thao thành tích cao
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, cuộc kiểm tra có ý nghĩa rất quan trọng, vừa nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị để tổ chức thật tốt SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; vừa chuẩn bị cho cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Sở Văn hóa và Thể thao và ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhằm định hướng các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đây là lĩnh vực rất quan trọng, được lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định phải phát huy các giá trị văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực nội sinh hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô; đồng thời tiếp tục phát triển thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, nâng cao thể chất, tuổi thọ con người Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, “trăm nghe không bằng một thấy”, qua kiểm tra thực tế tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội mới thấy, cơ sở vật chất phục vụ các vận động viên đã xuống cấp và còn thiếu nhiều phương tiện cần thiết. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội đã đạt được thành tích rất lớn.
Chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu, các công trình phục vụ tổ chức SEA Games 31 là bộ mặt quốc gia, nên phải tập trung cải tạo, nâng cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Điều này phải được quán triệt tới từng cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện, nhất là các nhà thầu xây dựng; từng công trình phải được thực hiện một cách kỹ càng, tỉ mỉ; làm việc bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay các dự án cải tạo; nâng cấp 10 công trình phụ trợ phục vụ theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Đây đều là các công trình rất cần thiết, cấp bách.
Nhấn mạnh phải khắc phục ngay những bất cập về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát toàn diện để điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao, bao gồm cả chế độ đãi ngộ thường xuyên, chế độ tập luyện, huấn luyện; chế độ khen thưởng đột xuất; xây dựng chế độ tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng đặc biệt; điều chỉnh chế độ mời huấn luyện viên nước ngoài; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho vận động viên gắn với ứng dụng khoa học, y học chăm sóc vận động viên...
“Tôi đề nghị các đồng chí phải đề xuất cả chế độ, chính sách đối với vận động viên sau khi kết thúc thời gian thi đấu đỉnh cao. Phải quan tâm thật sự để vận động viên yên tâm cống hiến”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thể thao là màu cờ sắc áo, là danh dự quốc gia nên các cấp, các ngành thành phố phải vào cuộc cùng ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội giải quyết những vấn đề nêu trên một cách quyết liệt, bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu Hà Nội cao nhất, góp phần vào thành tích chung của thể thao Việt Nam, trước hết là tại kỳ SEA Games lần này.
Thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương hứa không phụ lòng của lãnh đạo thành phố tin tưởng giao cho; quyết tâm đóng góp hơn 30% số lượng vận động viên và đóng góp số huy chương cao nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.