(HNM) - Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2019 diễn ra tại 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc tối 26-5 (giờ địa phương).
Các đảng cực hữu đang nổi lên ở nhiều nước châu Âu trong cuộc bầu cử EP 2019. |
Theo kết quả sơ bộ được công bố, hai nhóm đảng bảo thủ là đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất, trong khi đảng Xanh và các đảng cực hữu giành kết quả đột phá tại một số nước châu Âu. Kết quả này không bất ngờ khi hầu như tất cả các phân tích và thăm dò dư luận trước đó đều nhận định các đảng dân túy, cực hữu tiếp tục vượt lên trước các đảng truyền thống.
Theo thông báo của EP, các đảng ủng hộ tăng cường EU giành được 2/3 số ghế trong nghị viện châu Âu. Trong đó, đảng EPP giành được 178 ghế, S&D được 152 ghế, Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) được 108 ghế, đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) giành 67 ghế. Tổng số ghế mà 4 nhóm này giành được là 505/751 ghế, trong khi các đảng cực hữu, hoài nghi châu Âu và dân tộc chủ nghĩa có thể giành 172 ghế tại EP, tương đương tỷ lệ 22,9%.
Với số ghế giành được giảm mạnh, hai nhóm đảng dẫn đầu là đảng EPP và S&D lần đầu tiên trong hơn 20 năm sẽ không còn chiếm được đa số tại EP. Trong khi đó, với việc về đích ở vị trí thứ 3 và thứ 4, đảng ALDE và nhóm đảng Xanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh đa số mới.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử này, lực lượng cực hữu và dân túy chiếm ưu thế tại nhiều nước như Italia, Pháp hay Hungary. Dù chính trường châu Âu về cơ bản không có thay đổi lớn sau cuộc bầu cử này, nhưng cuộc bầu cử EP 2019 ghi nhận sự thất thế của các đảng trung dung tại châu Âu và sự thắng thế của phe cực hữu, bảo thủ. Điều này sẽ có tác động đến tiến trình ra chính sách tại châu Âu, khi các vấn đề về: Môi trường, nhập cư, chống Hồi giáo hóa hay hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu... cũng sẽ được bàn thảo nhiều hơn. Cuộc bầu cử châu Âu năm nay khẳng định lại một lần nữa xu hướng các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa lớn mạnh tại châu Âu trong vài năm qua là tín hiệu cho thấy đời sống chính trị - xã hội châu Âu đang có những thay đổi mạnh mẽ. Điều này càng chính xác hơn khi các đảng truyền thống vốn rất lớn mạnh ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia... đang suy yếu và ngày càng mất nhiều cử tri ủng hộ.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử EP 2019 cho thấy châu Âu đang ở một thời điểm nhạy cảm, với rất nhiều sự chia rẽ, phân hóa mang tính cực đoan. Điều này gây sức ép buộc không chỉ từng quốc gia mà cả các thiết chế của EU cũng sẽ phải cải tổ mạnh mẽ. Năm nay 51% tổng số cử tri châu Âu đã đi bỏ phiếu, tỷ lệ cao nhất kể từ 25 năm trở lại đây.
Rõ ràng, khi EU phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm: Vấn đề di cư, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc, một Tổng thống Mỹ khó lường, Brexit và các vấn đề nội khối khác... thì vai trò của EP càng được đề cao hơn bao giờ hết trong việc định hình lại khối trong vòng 5 năm tới. Cuộc bỏ phiếu lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ quan châu Âu thực sự năng động và dân chủ, gần gũi hơn với các nước thành viên, phản ánh chặt chẽ các ưu tiên của cử tri quốc gia và từ đó có thể làm tăng niềm tin vào EU.
Dù đảng nào trở thành lãnh đạo EU trong nhiệm kỳ tới, Nghị viện châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt và giải quyết nhanh chóng ba vấn đề cấp thiết hiện nay: Tăng trưởng kinh tế chậm, vai trò EU trong các vấn đề toàn cầu đang suy yếu và sự mất đoàn kết nội bộ khối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.