Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ người tiêu dùng từ hai cách tiếp cận

Bình Nguyên| 15/12/2014 05:56

(HNM) - Ngày 8-12, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chính thức kết nối và đưa vào sử dụng đầu số miễn phí phục vụ người tiêu dùng 1800.6838. Theo đó, người tiêu dùng khi thực hiện các cuộc gọi phản ánh, khiếu nại liên quan đến tiêu dùng không mất phí.



Với số điện thoại này, Cục Quản lý cạnh tranh hy vọng "tiếp tục thúc đẩy hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại người tiêu dùng tại Cục nói riêng; đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng nói chung".

Hiệu quả của đường dây nóng này đến đâu trong khi chúng ta có một thị trường lên tới 90 triệu khách hàng, đặc biệt là tình trạng xâm hại quyền lợi người tiêu dùng với nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và dịch vụ yếu kém diễn ra tràn lan? Xin đề cập mấy vụ việc nóng liên quan quyền của người tiêu dùng trong thời gian gần đây.

Thứ nhất, ít ngày trước, cơ quan chức năng đã phát hiện 40 tấn thịt trâu đông lạnh được đóng thùng carton rách và tẩy xóa nhãn mác tại kho của Công ty Thực phẩm An Việt, ở Khu công nghiệp Quang Minh - Hà Nội, trong đó có 15 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc. Theo lời chủ lô hàng, thịt trâu sau đó sẽ được biến thành thịt bò để đưa vào bếp ăn ở các khu công nghiệp. Điều đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Công ty An Việt đã nhập khẩu hơn 10.000 tấn thịt trâu đưa đi tiêu thụ, song theo hóa đơn chứng từ, không có lô hàng nào là thịt trâu được xuất ra. Chưa bàn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, với hành vi gian lận nêu trên, quyền lợi của rất nhiều công nhân - đồng thời là người tiêu dùng - đã bị ảnh hưởng. Tất nhiên, hành vi của Công ty An Việt sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, song ở góc độ khác, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã vào cuộc?

Thứ hai, tính đến trung tuần tháng 11, xăng dầu với 9 lần giảm giá, với mức giảm chung lên tới 16% nhưng cước vận tải, trong đó có cước taxi gần như "án binh bất động". Sau khi dư luận phản ứng gay gắt, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục thông tin về sự chậm trễ - chính xác hơn là phớt lờ - giảm giá cước vận tải của nhiều doanh nghiệp; đồng thời các bộ: Giao thông - Vận tải, Tài chính lần lượt lên tiếng, đề nghị các địa phương vào cuộc theo kiểu "thúc ép", các doanh nghiệp vận tải mới… điều chỉnh giá, với mức mà theo giới chuyên gia kinh tế là chưa tương xứng. Điều đáng chú ý là cũng gần như không thấy bóng dáng, tiếng nói của cơ quan, hiệp hội "chuyên" về quyền lợi người tiêu dùng ở đâu.

Thứ ba, nạn tin nhắn rác hoành hành, khiến người tiêu dùng - những khách hàng của các hãng di động - gặp rất nhiều phiền toái. Sau mỗi lần báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý thông tin - truyền thông mới vào cuộc. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Hiện tại, tin nhắn rác không chỉ hoành hành mà còn có dấu hiệu tràn lan hơn trước. Dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Nhà mạng thu được bao nhiêu tiền từ… vấn nạn tin nhắn rác? Sự phiền toái, bực mình - tức quyền lợi của người tiêu dùng (viễn thông) không được bảo đảm thì dường như cơ quan, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chưa hề để ý.

Đường dây nóng là một kênh tiếp nhận thông tin (mang tính bị động) cần thiết. Song trước khi đầu số 1800.6838 ra đời, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã được xây dựng và triển khai tại Cục Quản lý cạnh tranh từ cuối năm 2012 với số điện thoại 04.3938.7846. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, qua hơn hai năm hoạt động, Tổng đài 04.3938.7846 đã tiếp nhận và xử lý… "hàng trăm cuộc gọi" của người tiêu dùng và các tổ chức có liên quan. Trong khi đó, tình trạng xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng bị phớt lờ, thậm chí bị chối bỏ luôn là một vấn đề "nóng" với quy mô tràn lan, tần suất diễn ra phổ biến. Rõ ràng, đường dây nóng này đã được thiết lập… nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tế cho thấy, để người tiêu dùng thực sự được tôn trọng, được bảo vệ, cách tiếp cận chủ động của cơ quan chức năng mới quan trọng (chẳng hạn, trong cả ba vụ việc nêu trên, nếu cơ quan, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chủ động vào cuộc, hiệu quả thực tế sẽ khác).

Nếu chỉ trông chờ thông tin qua đường dây nóng thì "hàng trăm cuộc gọi" kia cũng không "cơm cháo" gì.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ người tiêu dùng từ hai cách tiếp cận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.