Phân tích cho thấy, từ năm 1985 tới nay, diện tích trồng trọt trên cả nước chỉ tăng trên 57%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Năm 2000, lượng phân bón sử dụng khoảng 4 triệu tấn thì năm 2011 số lượng này trong cả nước đã tăng trên 9 triệu tấn các loại. Và trong vòng 10 năm qua, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng gấp 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng lên 4,5 lần. Nhưng ý thức sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cho môi trường lại chẳng tăng thêm phần trăm nào.
Thuốc bảo vệ thực vật tiềm ẩn nhiều nguy hại với môi trường. |
"Thực trạng đáng ngại là việc ngày càng lạm dụng thuốc BVTV, kinh doanh SX bừa bãi sẽ là hệ lụy ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, đe dọa sức khỏe, cộng đồng và cả nòi giống của chúng ta nếu không có các giải pháp kịp thời". Thiếu tướng - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về MT nhấn mạnh.
Vi phạm về bảo vệ môi trường ngày càng nhiều trong lĩnh vực SX-KD và sử dụng thuốc BVTV nhưng đáng lo ngại là mọi việc dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Phổ biến là tình trạng doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuốc BVTV không báo cáo việc đánh giá tác động môi trường hay không chịu cam kết báo cáo. Có hệ thống xử lý nước thải nhưng vì lợi nhuận mà xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý; hay chôn hệ thống ngầm xả thải dưới đất để đối phó cơ quan chức năng.
Thống kê, cả nước hiện có 98 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Nam. Nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh với 66 cơ sở. Nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất trong tình trạng gia công, sang chai, đóng gói ra thành phẩm thuốc BVTV, không có cơ sở nào trực tiếp sản xuất nguyên liệu thuốc BVTV, đa số nguyên liệu nhập khẩu và 90% là nhập từ Trung Quốc, rất khó kiểm soát thành phần.
Khó hơn nữa là việc quản lý mạng lưới cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Hiện cả nước có 16.659 doanh nghiệp kinh doanh buôn bán thuốc BVTV, tức trung bình mỗi tỉnh có 265 cơ sở. Song nhiều cơ sở tại các khu vực đông dân cư xen kẽ thì không thể kiểm soát nổi.
Qui trình hoạt động từ sản xuất như vận hành máy móc, cho tới các khâu vệ sinh dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thuốc BVTV đều phát tán vào môi trường nhiều chất thải nguy hại nhưng giám sát cho thấy, từ những khâu gia công, sang chiết, đóng gói thuốc BVTV ở các cơ sở đều thiếu ý thức hoặc có ý thức nhưng cố tình không chịu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, các loại bao bì, vỏ chai, lọ, thuốc BVTV lại chưa được coi là chất thải nguy hại nên không được xử lý đúng qui trình.
Trong nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật cho biết, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85 % tỉ trọng bao bì. Như vậy, dựa trên số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm thì môi trường Việt Nam đã ngẫu nhiên "đón nhận" khoảng 195 tấn thuốc BVTV. Lượng chất độc này nếu đem ra cân đong đo đếm về tác hại tới sức khỏe con người là không thể tính được. Song cả nước hiện có duy nhất 1 công ty đảm nhiệm việc xử lý chất thải từ hóa chất độc hại này.
Ngoài ra khi kiểm tra phát hiện không ít cơ sở sản xuất thuốc BVTV sử dụng nguyên liệu nhập trôi nổi, ngoài danh mục cho phép. Và rất phổ biến việc sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, dây chuyền cũ kỹ, chắp vá và thiếu đồng bộ, phát triển tự phát. Đáng lo ngại là việc lạm dụng trong sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong nông dân vẫn tồn tại mà chưa thể khắc phục. Vẫn còn có từ 30-60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất BVTV vượt ngưỡng cho phép.
Đây là nguyên nhân của tình trạng ngộ độc thực phẩm kéo dài từ nhiều năm nay trong các bếp ăn tập thể, trường học. Vẫn còn từ 30-60% nông dân ta chỉ thực hiện thời gian cách ly đến lúc thu hoạch từ 1-3 ngày, 25-43% cách ly từ 4-6 ngày, trong khi phần lớn thuốc BVTV cần thời gian cách ly tối thiểu từ 7-14 ngày.
Bên cạnh đó hầu như nông dân ta khi sử dụng xong các dụng cụ cho thuốc BVTV như bình bơm, dụng cụ pha chế, vỏ bao thuốc BVTV, đều vẫn có thói quen bỏ các dụng cụ này như dụng cụ thông thường, như rác sinh hoạt sau khi sử dụng. Cho tới nay tại 30 tỉnh chỉ có 2 tỉnh có kế hoạch triển khai thu gom vỏ bao thuốc BVTV, thuốc thú y nhưng đều không thành công do thiếu kinh phí và thiếu sự truyền thông sâu rộng…
Đã có 300 vụ việc có hành vi SX phân bón giả đã bị lực lượng QLTT xử lý năm 2011. Riêng lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường từ năm 2008 tới nay đã phát hiện và xử lý 237 cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, xử phạt 2,59 tỷ đồng. Nhưng số vụ vi phạm trên đây chỉ là rất khiêm tốn. Nhiều cơ sở sản xuất, hoạt động trong lĩnh vực nhỏ, rải rác thì rất khó nắm bắt. Trong khi việc phối hợp với địa phương còn nhiều khó khăn, xử lý cơ sở sai phạm còn chưa quyết liệt, thường xuyên, mang nặng tính hình thức dẫn đến tình trạng "chây ì" vi phạm.
Kết quả thanh kiểm tra SX-KD thuốc BVTV 2011 cho thấy, số thuốc BVTV cần tiêu hủy trong cả nước khoảng 70 triệu kg và trên 43 triệu lít thuốc BVTV; gần 70 triệu kg bao bì thuốc BVTV cần tiêu hủy… Tuy nhiên, cái khó là phải cần tới 63 tỉ đồng cho việc tiêu hủy các chất độc hại này.
Trong cả nước hiện có 260 kho chứa thuốc BVTV, chủ yếu lưu giữ các loại thuốc BVTV đã hết hạn sử dụng qua công tác thu giữ, thanh tra. Nhưng toàn bộ số thuốc độc hại này chưa được tiêu hủy theo đúng qui định, việc lưu giữ bảo quản chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều lý do. Khảo sát thực tế thì các kho chứa hóa chất này tồn lưu hầu hết hệ thống thoát nước gần như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng nước mặt, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm đất xung quanh và gây nguy hiểm cho người dân sống quanh khu vực. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.