Chiều 22-3, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã có cuộc gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án quan trọng này.
Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Buổi gặp mặt diễn ra sau thành công tốt đẹp của 3 hội thảo cấp quốc gia tại 3 miền Bắc – Trung – Nam do Ban Chỉ đạo tổ chức, quy tụ hàng trăm bài tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học pháp lý hàng đầu đất nước về các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, nhiệt huyết trong công tác của các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Tổ Biên tập trong quá trình nghiên cứu, tham luận; tham gia xây dựng các dự thảo, văn kiện của Đề án.
Chủ tịch nước đặc biệt đánh giá cao kết quả nghiên cứu các chuyên đề, kết quả làm việc đến thời điểm này đã làm rõ những vấn đề cốt lõi, cơ bản, quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời khẳng định quyết tâm, sự thống nhất cao đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự thảo của Đề án.
Đến thời điểm này, các chuyên đề nghiên cứu của Đề án đã cơ bản được hoàn chỉnh, hội tụ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều cơ quan, lĩnh vực, Chủ tịch nước đánh giá cao việc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nặng nề nhưng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước vẫn tích cực, trách nhiệm, nỗ lực đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công việc do Ban Chỉ đạo giao.
Cho rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền là chủ đề hết sức đa dạng, phong phú, đòi hỏi yêu cầu khoa học rất cao, Chủ tịch nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới rất quan trọng, khối lượng công việc còn rất lớn và khó khăn, do đó các chuyên gia, Tổ Biên tập cần tiếp tục bám sát những nguyên tắc, định hướng của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đồng thời đảm bảo tốt chất lượng công việc. Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, dựa trên các luận cứ, luận điểm khoa học, đúng định hướng, chắc chắn, có tính thuyết phục cao và giữ vững nguyên tắc trong công việc, bởi đây là những vấn đề rất hệ trọng trong đường hướng phát triển của Đảng, Nhà nước ta thời gian tới.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục phối hợp, đảm bảo điều kiện làm việc cho các chuyên gia, nhà khoa học, Tổ Biên tập để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề được giao.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng rãi trong đảng viên và nhân dân.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ Biên tập bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, làm việc; khẳng định, nhiệm vụ và công việc này vinh dự to lớn, là trọng trách; đồng thời cũng là cơ hội để các nhà khoa học thể hiện tâm huyết, thành tựu nghiên cứu và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Các chuyên gia cũng cho biết, Tổ Biên tập và Ban Nội chính Trung ương đã hình thành phương pháp, kế hoạch làm việc dân chủ, khoa học, với lộ trình sát sao; là cơ sở quan trọng để đảm bảo tiến độ và chất lượng của công việc. Các chuyên gia cũng khẳng định sẽ nỗ lực với quyết tâm cao nhất, trên cơ sở những vấn đề đã thống nhất, sớm hoàn thiện, trình các dự thảo ban đầu của Đề án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.