Ngày 12-3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) 3 quý tiếp theo của năm 2024.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đánh giá, trong quý đầu tiên của năm 2024, ngành BHXH có nhiều cố gắng trong kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT cũng như bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, chi phí khám, chữa bệnh BHYT ngày càng gia tăng, nhất là sau khi Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung đối tượng được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh BHYT có hiệu lực và áp dụng giá dịch vụ áp dụng theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp”.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng phục vụ 27,73 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, tăng 3,07 triệu lượt người, tương đương với tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí khám, chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán là hơn 19.316 tỷ đồng, tăng hơn 3.250 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 20,23% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các ý kiến trao đổi cũng khẳng định, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP được ban hành có sự đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, gồm nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế, nhưng đồng thời cũng yêu cầu trách nhiệm rõ ràng giữa các bên trong công tác khám, chữa bệnh BHYT. Vì thế, các đơn vị liên quan cần cộng đồng trách nhiệm nhằm thực hiện tốt cùng lúc hai nhiệm vụ: Chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh cho người dân và bảo đảm sự cân bằng, ổn định của Quỹ BHYT.
Về phần mình, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của ngành, BHXH các địa phương tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến BHYT. Quan điểm xây dựng là ủng hộ mở rộng quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, nhưng cần đánh giá rõ ràng tác động mà các chính sách mới có thể mang lại.
Trước mắt, ngành BHXH xây dựng kế hoạch làm việc với các địa phương có chi phí lớn, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh song hành với kiểm soát chi hiệu quả. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả giám định BHYT cần được chú trọng, giảm tối đa tình trạng trục lợi nguồn quỹ. Đối với các địa phương có số chi khám, chữa bệnh BHYT vượt dự toán năm 2023, BHXH các địa phương cần thường xuyên trao đổi, báo cáo UBND tỉnh, thành phố về tình hình khám, chữa bệnh BHYT, từ đó đề xuất chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.