Các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc đến nhiều nhóm đối tượng, trong đó có chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Hiện, cả nước có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, cho nên nếu đề xuất này được thông qua, thì hệ thống BHYT sẽ có thêm 2 triệu người tham gia.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chính sách BHYT ngày càng lan tỏa, trở thành giá đỡ an sinh quan trọng của hơn 93 triệu người, tương ứng với hơn 93% dân số. Với các trường hợp mắc bệnh nặng, cần điều trị dài ngày, BHYT trở thành “ân nhân” của nhiều người, gia đình. Vì thế, chính sách này cần tiếp tục được quan tâm để thu hút thêm nhiều người tham gia.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Đó là, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ. Cùng với đó là người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh…
Theo đánh giá, việc mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT sẽ có lợi cho nhiều người, nhiều phía. Dễ nhận thấy là BHYT sẽ tăng diện bao phủ, hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân. Bởi, cả nước có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, nếu chỉ riêng đối tượng này tham gia, thì số người có tên trên hệ thống BHYT đã tăng lên khoảng 2 triệu người, nguồn quỹ gia tăng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Về phía người tham gia, họ có lợi khi được bảo đảm về tài chính và được Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp bị ốm đau, bệnh tật. Về sức khỏe, việc gia tăng cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của một số đối tượng được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng sức lao động. Khi chất lượng sức khỏe của mỗi người được nâng cao, họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều thu nhập cho bản thân và xã hội.
Về giảm nghèo, việc ban hành chính sách cũng có tác động đến giảm nghèo vì các nhóm đối tượng tham gia BHYT hạn chế phải chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi không may bị ốm đau, bệnh nặng, cần điều trị dài ngày, sử dụng kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.