Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm dân chủ trong công tác cán bộ

Võ Lâm| 09/05/2017 06:58

(HNM) - Nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được đề cao trong công tác cán bộ của Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng cán bộ.


Thành ủy Hà Nội triển khai nhiều đề án, kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ. Ảnh: Nhật Nam


Cơ sở tạo đồng thuận

Đảng bộ Hà Nội hiện có 59 đảng bộ trực thuộc, bao gồm 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã; 4 đảng bộ khối; 23 đảng bộ cấp trên cơ sở và 2 đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy. Tổng số đảng viên của Đảng bộ là 414.030 đồng chí, chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước, sinh hoạt tại 18.277 tổ chức Đảng thuộc 2.911 tổ chức cơ sở Đảng. Hằng năm, Đảng bộ thành phố thực hiện các nội dung của công tác cán bộ liên quan đến hàng nghìn cán bộ và nhiều năm qua, kết quả thực hiện công tác cán bộ tại Hà Nội luôn được Trung ương đánh giá cao… Có được kết quả đó là nhờ thành phố đã quán triệt sâu sắc, luôn luôn đề cao thực hành dân chủ trong công tác cán bộ.

Để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, một trong những nguyên tắc quan trọng là: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, không chỉ với cán bộ trong Đảng mà với đội ngũ cán bộ nói chung… Theo đó, tại Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã thông qua Chương trình 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” để lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ. Thực hiện Chương trình 01-CTr/TU, ngay trong năm 2016, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nâng cao một bước chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp.

Biểu hiện rõ nhất trong thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ của Hà Nội khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Là đơn vị đi đầu, bài học kinh nghiệm của thành phố là phải bảo đảm dân chủ trong suốt quá trình thực hiện. Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết, thay mặt lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nêu rõ yêu cầu: “Việc sắp xếp lại cần được thực hiện đúng nguyên tắc, thận trọng và khách quan, tuyệt đối không để xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ”. Thực hiện nghiêm yêu cầu này, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã đề cao thực hành dân chủ, công khai, minh bạch. Đây là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết: “Ở khối chính quyền, tương tự khối cơ quan Đảng, quy trình diễn ra rất chặt chẽ: Cơ quan, đơn vị xây dựng đề án; Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố và thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo Chủ tịch UBND thành phố và Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối; sau đó đưa ra phiên họp tập thể UBND thành phố thống nhất. Bước tiếp theo, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua trước khi triển khai thực hiện”. Không những tuân thủ quy trình chặt chẽ, coi trọng yếu tố dân chủ, các cơ quan, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vừa phổ biến công khai các quy định hiện hành, vừa đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức để cùng thống nhất nhận thức, nhất là đối với những trường hợp bị “hạ chức”, thuyên chuyển vị trí công tác… Có thể nói, mặc dù quá trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố ảnh hưởng đến nhiều cán bộ do rút gọn đầu mối, giảm hàng trăm vị trí trưởng, phó phòng, ban… nhưng đến nay, mọi công việc đều diễn ra suôn sẻ, có sự đồng thuận cao, không xảy ra khiếu kiện.

Dân chủ gắn với kỷ cương

Bảo đảm dân chủ có ý nghĩa quan trọng, nhưng nguy cơ mất dân chủ hay thực hành dân chủ kiểu hình thức trong công tác cán bộ vẫn có thể xảy ra. Thấu hiểu ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đó, Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã xác định phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trong đó có công tác cán bộ. Phát huy dân chủ, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tránh các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn.

Nhằm tăng cường và phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Ban Tổ chức Thành ủy tập trung tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ban cũng sẽ tập trung giải quyết những vụ việc ở các địa phương, đơn vị liên quan đến trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, những vi phạm trong quản lý, điều hành… Cùng với Ban Tổ chức Thành ủy, các ban Đảng Thành ủy đang xúc tiến xây dựng một số đề án, chuyên đề nhằm quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy cũng đang triển khai nhiều đề án, kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ.

Dân chủ trong công tác cán bộ không chỉ giúp tránh được những sai lầm trong công tác cán bộ, mà còn là giải pháp để lựa chọn được người có đức, có tài…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm dân chủ trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.