Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn việc mở rộng cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra

Vân An| 19/06/2015 12:09

(HNMO) - Ngày 19/6, tại phiên thảo luận về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, việc bổ sung một số cơ quan như kiểm ngư, ủy ban chứng khoán, thuế vào danh sách các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khiến nhiều đại biểu băn khoăn.


Phát biểu tại hội trường về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết, phạm vi, quan điểm và nhiều nội dung trong dự án luật và cho rằng, dự án luật đã tổng kết sâu sắc Pháp lệnh điều tra hình sự hiện nay và bổ sung nhiều quy định mới.

Tuy nhiên, dự luật cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn tinh thần cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị và tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013 về yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, các quy định trong dự án luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các quy phạm pháp luật trong các luật đã được ban hành gần đây như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Các quy định trong dự luật cần có sự bảo đảm kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau trong hoạt động điều tra giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về việc mở rộng cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các đại biểu vẫn còn chưa thống nhất.

Một số đại biểu phản đối việc bổ sung cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước được giao tiến hành một số hoạt động điều tra để quán triệt tinh thần rút gọn đầu mối cơ quan điều tra. Từ nay đến năm 2020, Chính phủ nên giữ nguyên cơ quan điều tra.

Ủng hộ quan điểm này là đại biểu Nguyễn Đức Chung - TP Hà Nội. Theo đại biểu, dựa trên thực tiễn hiện nay, chúng ta không nên mở rộng về việc liên quan đến bổ sung các nhiệm vụ điều tra cho một số cơ quan này để phù hợp định hướng cải cách tư pháp. Thực tế trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra, khi có yêu cầu điều tra lĩnh vực trốn thuế hoặc lĩnh vực chứng khoán - những lĩnh vực phát triển trong 3 đến 4 năm gần đây - đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia và để giải quyết một vụ án trong các lĩnh vực này, cần sự tham gia của nhiều cơ quan khác nữa. Do vậy, việc để các cơ quan điều tra này cũng không đảm bảo tính khách quan.

"Thực tế hiện nay, nếu như tổ chức các cơ quan điều tra tại các lĩnh vực này cần có lực lượng điều tra viên am hiểu pháp luật, am hiểu về quy trình, về mặt tố tụng và Luật hình sự. Trong khi đó, các cơ quan này không có. Do vậy, việc tổ chức điều tra sẽ bất cập, không có chất lượng", đại biểu Chung nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng băn khoăn, các cơ quan như thuế, kiểm ngư, Ủy ban chứng khoán chủ yếu thực hiện chức năng thẩm quyền hành chính, nếu được bổ sung thẩm quyền tư pháp thì liệu chất lượng công tác điều tra thực thi pháp luật có đảm bảo chuyên sâu hay không? Thêm vào đó, các cơ quan này không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng làm hồ sơ kém, không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn, khi chuyển hồ sơ lên cơ quan cảnh sát điều tra, rất nhiều khả năng sẽ phải củng cố lại từ đầu.

“Đây là vấn đề năng lực tổ chức hoạt động điều tra làm rõ bản chất của vụ việc, không thuần túy chỉ là vấn đề chuyên môn của các ngành hành chính này. Nếu chỉ bổ sung 3 cơ quan này thì còn nhiều cơ quan khác thì sao? Ví dụ, lĩnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác hiện nay có nhiều loại tội phạm liên quan. Nếu bổ sung thêm sẽ làm tăng đầu mối cơ quan điều tra, điều này không đúng với tinh thần cải cách tư pháp là thu gọn đầu mối trong khi thực tế cho thấy cơ quan công an hiện nay vẫn đảm bảo thực hiện tốt chức năng này”, đại biểu Vinh nói.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là những cơ quan có đặc thù bảo đảm việc phát hiện kịp thời và có thể giữ được những tài liệu chứng cứ ban đầu thì vẫn nên được giao thẩm quyền điều tra một số hoạt động.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng, ngoài bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, kiểm ngư và chứng khoán, còn cần bổ sung thêm hai cục là Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao và Cục chống buôn lậu của Bộ Công an vào danh sách được tiến hành một số hoạt động điều tra.

"Chúng ta bổ sung năm cơ quan này được thực hiện một số nhiệm vụ điều tra thì sẽ giúp cho các cơ quan điều tra khác phát hiện tội phạm nhanh chóng hơn, kịp thời hơn và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bởi vì chúng ta đấu tranh tội phạm, không phải chỉ bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà cũng bảo đảm không bó tay các cơ quan điều tra. Cho nên, việc quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra, mở rộng các cơ quan điều tra là cần thiết và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm", đại biểu Thuyền nói.



Tán thành quy định này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc - Hà Tĩnh lưu ý thêm, những hoạt động điều tra do các cơ quan này tiến hành cần phải đặt dưới sự hướng dẫn của cơ quan điều tra và đặt dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, phải có những quy định bảo đảm những điều tra ban đầu đó được chuyển cho cơ quan điều tra mang tính hệ thống và phục vụ cho công tác điều tra thuận lợi.

Về trách nhiệm của công an xã phường, thị trấn, đồn công an, đa số đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo, nhưng lưu ý thêm, dự luật cần cân nhắc, sắp xếp lại một số loại thẩm quyền cho phù hợp hơn, tăng cường công tác bồi dưỡng đào tạo đối với công an cấp xã để bảo đảm việc điều tra đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền của công dân.

Theo đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Về mặt pháp lý, các quy định hiện hành về thẩm quyền liên quan đến tố tụng hình sự của công an xã chưa phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự và Hiến pháp mới.

"Trong khi Luật công an xã chưa được ban hành, Điều 43 dự thảo đã giao công an xã thẩm quyền lấy lời khai, vẽ sơ đồ hiện trường, khám người, thu giữ, tạm giữ và bảo quản đồ vật tài liệu cho dù đối với người phạm tội quả tang tức là đã luật hóa những quy định hiện hành. Qua thực tế kiểm nghiệm đã thấy không phù hợp, thậm chí gây ra một số hệ lụy... Trong trường hợp nếu chúng ta tiếp tục giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân cho công an xã, chúng tôi đề nghị phải xây dựng lực lượng này thành lực lượng công an chính quy cho dù có thể phát sinh thêm biên chế và kinh phí", đại biểu Nga nói.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến kỷ luật lập pháp của dự thảo, một số quy định liên quan đến sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động điều tra, quy định về điều tra viên và cán bộ điều tra...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn việc mở rộng cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.