Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết tại buổi họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022 diễn ra chiều 2-7.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2023, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 báo cáo kiểm toán; trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn điểm qua một số kết quả kiểm toán liên quan đến lĩnh vực thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), quyết toán NSNN… Theo đó, KTNN xác nhận nợ công tính đến 31-12-2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021 (năm 2021 là 36,71 triệu đồng/người).
Về quản lý, sử dụng tài sản công, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng xe ô tô vượt so với quy định; chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp…
Về quyết toán NSNN, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 trình Quốc hội nêu rõ, còn tình trạng HĐND của một số địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) không đúng thời hạn quy định; 23 địa phương được kiểm toán, HĐND phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các báo cáo kiểm toán, báo cáo quyết toán NSĐP, trong đó có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả ngân sách trung ương số tiền 1.488,036 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP cho thấy, một số địa phương hạch toán chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.785,98 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cũng thông tin về kết quả kiểm toán 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chuyên đề việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn 2020-2022; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022; chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, công khai kết quả kiểm toán môi trường và kiểm toán các đề án, chuyên đề lớn mà KTNN đã thực hiện trong năm 2023, cũng như kết quả kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp…
Qua hoạt động kiểm toán năm 2023, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng; kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).
Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, tính đến 31-12-2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83%. Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023, các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng. Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31-12-2023 là 67.513,03 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, thực hiện kiểm toán việc quản lý tài nguyên khoáng sản đối với thành phố Hải Phòng, KTNN phát hiện có vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản. KTNN Khu vực VI đã báo cáo theo đúng trình tự quy định để chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc. Đến nay, theo thông báo của Công an thành phố Hải Phòng, đã có 2 vụ việc cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án với nội dung là Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cũng cho biết, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số vụ việc khác tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
Đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2022, đại diện KTNN cho biết, trong bối cảnh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo đảm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Liên quan đến việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại diện KTNN cho biết, đây là chính sách lớn nhưng khi triển khai không dễ vì có một số khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, kết quả hỗ trợ không đạt được như kỳ vọng đặt ra; trong đó, đến ngày 31-12-2022, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 134 tỷ đồng, bằng 0,8%/tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.