Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 5858-QĐ/TU về ban hành Quy chế làm việc của Đảng đoàn HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Quy chế gồm 5 chương, 21 điều quy định: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn HĐND thành phố; cơ cấu tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Đảng đoàn HĐND thành phố; nguyên tắc, chế độ làm việc của Đảng đoàn HĐND thành phố; mối quan hệ công tác của Đảng đoàn HĐND thành phố…
Về nguyên tắc làm việc, Đảng đoàn HĐND thành phố trực thuộc Ban Thường vụ Thành ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và những đề xuất, quyết định của Đảng đoàn.
Đảng đoàn hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; đồng thời, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Thành ủy.
Đảng đoàn thảo luận tập thể và biểu quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Cá nhân được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết, kết luận của tập thể. Ý kiến bảo lưu có thể được phản ánh lên cấp trên, nhưng không được tuyên truyền, phổ biến ra bên ngoài.
Đảng đoàn họp định kỳ 1 tháng/lần, họp bất thường khi cần thiết do Bí thư Đảng đoàn triệu tập. Cuộc họp của Đảng đoàn phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Đảng đoàn tham dự. Các thành viên không tham dự cuộc họp phải báo cáo và được Bí thư Đảng đoàn đồng ý. Nghị quyết, kết luận của Đảng đoàn được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Đảng đoàn biểu quyết tán thành. Hình thức biểu quyết do Đảng đoàn quyết định.
Căn cứ nội dung cuộc họp, Đảng đoàn mời các tổ chức, cá nhân liên quan tham dự. Đại biểu các cơ quan dự họp được phát biểu ý kiến về vấn đề có liên quan nhưng không tham gia biểu quyết.
Tài liệu cuộc họp thường kỳ của Đảng đoàn được gửi đến các thành viên Đảng đoàn trước khi diễn ra cuộc họp 3 ngày; trường hợp đặc biệt thì thời gian gửi tài liệu là 1 ngày làm việc. Đối với những vấn đề đột xuất, chưa có trong chương trình cuộc họp, nếu xét thấy quan trọng và cấp thiết, đơn vị bộ phận được giao chủ trì báo cáo Bí thư Đảng đoàn quyết định. Các cuộc họp được ghi biên bản hoặc thông báo kết luận; nội dung cần thiết thì ban hành nghị quyết để thực hiện.
Trường hợp không tổ chức họp, Đảng đoàn lấy ý kiến các thành viên Đảng đoàn bằng văn bản. Chậm nhất trong 3 ngày làm việc tính từ ngày nhận được báo cáo và tài liệu, các thành viên Đảng đoàn có trách nhiệm cho ý kiến, biểu quyết đối với các nội dung xin ý kiến bằng văn bản (trường hợp đặc biệt, đối với những nội dung quan trọng, gấp cần xử lý, giải quyết ngay thì thời hạn cho ý kiến, biểu quyết là 1 ngày làm việc).
Sau thời hạn nêu trên mà thành viên Đảng đoàn không có ý kiến thì coi như biểu quyết đồng ý và chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng đoàn và trước pháp luật về nội dung lấy ý kiến biểu quyết. Nghị quyết của Đảng đoàn được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Đảng đoàn biểu quyết bằng văn bản tán thành và có giá trị như nghị quyết cuộc họp.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (23-10-2023) và thay thế Quyết định số 3003-QĐ/TU ngày 9-8-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy chế làm việc của Đảng đoàn HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.