(HNM) - Bộ Công Thương cảnh báo, trên thị trường đã xuất hiện mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng thành nhiều loại hình khác, như đầu tư dự án bất động sản, khai khoáng, nông nghiệp, tài chính, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe hay các khóa học làm giàu… Trong đó, mục đích chính vẫn là huy động vốn.
Biến tướng sang nhiều lĩnh vực
Công ty cổ phần Thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) tổ chức các chương trình đào tạo làm giàu. Tuy nhiên, thay vì truyền đạt kỹ năng cho học viên, IDT giới thiệu các dự án bất động sản, trồng cây mắc ca… để kêu gọi đầu tư, góp vốn, với lãi suất 30-60%. Nếu giới thiệu thêm người mới, thành viên tham gia còn được hưởng hoa hồng. Đầu năm 2015, một số hợp đồng đã quá hạn thanh toán nhưng nhà đầu tư không liên lạc được với người đại diện Công ty, nên đã làm đơn tố cáo. Sau đó cơ quan Công an đã tạm giữ một số đối tượng liên quan để điều tra hành vi “kinh doanh trái phép” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không riêng IDT, mô hình đa cấp cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bất động sản áp dụng và phát triển khá rầm rộ. Điển hình là nhiều sàn phân phối tổ chức các khóa học, chia sẻ kỹ năng bán hàng, nhưng thực tế diễn giả thường thuyết phục học viên đầu tư những sản phẩm do đơn vị phân phối. Học viên giới thiệu hoặc bán được hàng cho các nhà đầu tư khác sẽ được chiết khấu ngay 6-7% giá trị sản phẩm. Tham gia một khóa đào tạo bán hàng bất động sản hai ngày, anh Nguyễn Quang Hưng (ngõ 327, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) phải trả phí gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nội dung học chủ yếu xoay quanh cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản ở Nha Trang, Vũng Tàu. “Lợi nhuận được cam kết có khi gấp đôi lãi ngân hàng, cùng với đó là các chuyến nghỉ dưỡng tại dự án sau khi công trình hoàn tất. Ngoài ra, nếu giới thiệu được khách mua, môi giới sẽ được chiết khấu 7% giá trị sản phẩm” - anh Hưng kể.
Phương thức kinh doanh đa cấp cũng được nhiều đơn vị áp dụng trong lĩnh vực tài chính. Sân chơi tài chính STS6 gần đây phát triển khá nhanh nhờ phương thức này. Không hàng hóa, nhà máy, không trụ sở công ty… website là nơi duy nhất mà người chơi có thể tiếp cận, tìm hiểu về STS6. Để tham gia hệ thống, người chơi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền lập tài khoản, sau đó tham gia các gói đầu tư từ 8 đến 64 triệu đồng. Nhằm thu hút người tham gia, những lời hứa đem lại lợi nhuận kếch xù lên tới 360%, cộng với tiền hoa hồng từ việc phát triển hệ thống được đưa ra, không khác gì các loại hình bán hàng đa cấp (BHĐC) trước đây.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), pháp luật Việt Nam đã quy định rõ, chỉ những đơn vị kinh doanh tiền tệ mới được huy động vốn. Các "sân chơi" tài chính trên có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật. Rủi ro mất tiền khi hệ thống mạng có sự cố là rất lớn.
Rủi ro rất lớn
Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho biết, một DN BHĐC chân chính, thường đáp ứng các tiêu chí cơ bản là có sản phẩm tốt, đào tạo nhà phân phối, tập trung bán hàng mà không tập trung tuyển dụng. Song, mô hình kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng thành nhiều loại hình khác nhau ở nhiều lĩnh vực, trong đó, mục đích chính là huy động vốn của người tham gia.
Đánh giá về các sân chơi tài chính, ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên gia phân tích tài chính, chứng khoán cho biết, được lợi lớn nhất đương nhiên là “nhà cái” vận hành mạng lưới. Không có một ngành nghề kinh doanh nào mà tiền lãi bằng tiền gốc bỏ ra chỉ trong vòng mấy ngày. Chưa kể, muốn huy động tiền, DN phải được cấp phép. Do đó, khi các sân chơi tài chính này “biến mất”, người chơi sẽ gặp rủi ro lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, sau khi rút giấy phép của 21 DN vi phạm, Hà Nội còn 36 DN BHĐC. Tuy nhiên, người dân cần chú ý trước những biến tướng của BHĐC dưới hình thức huy động vốn, tiền ảo, góp vốn vào dự án, phát hành cổ phiếu nội bộ, sân chơi tài chính, thương mại điện tử… nhất là đối với những DN kinh doanh đa cấp đã bị chấm dứt hoạt động. Với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động BHĐC, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân nhận diện hành vi BHĐC bất chính để tránh bị lôi kéo, dụ dỗ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.