Ngày 5-1, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức diễn đàn Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam - Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững.
Sự kiện nhằm cung cấp thông tin và khuyến nghị giải pháp, cũng như là nơi tương tác giữa các nhà quản lý, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, mặc dù đã có quy định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trên thực tế nhiều vi phạm xảy ra, gây bức xúc dư luận và tổn thất cho người tiêu dùng. Không ít đơn vị kinh doanh theo lối chụp giật, biến tướng đã từng bị nhận diện, xử lý. Tính sơ bộ, hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng bởi mua hàng đa cấp có vi phạm, với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý, kịp thời theo dõi để chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật điều chỉnh bán hàng đa cấp, đồng thời cải thiện niềm tin cũng như chất lượng hoạt động.
Thực tế, hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp chân chính cũng có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, góp phần đa dạng hóa loại hình mua - bán. Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, tổng doanh thu của các đơn vị thành viên năm 2022 đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp ngân sách trên 2.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ động đào tạo, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ cũng như tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý với Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, giảm thiểu những rủi ro, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm ngày càng lành mạnh hóa lĩnh vực nhạy cảm này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.