Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học còn nguyên tính thời sự

Quang Huy| 27/04/2016 06:56

(HNM) - Thời điểm này 30 năm trước, thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Pripyat (Ukraine) đã nổ ra và để lại di chứng khôn lường. Giống thảm họa vịnh Minamata (Nhật Bản) hơn 50 năm trước, vụ nổ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là bài học còn nguyên tính thời sự ngay trong hôm nay với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, về đầu tư và phát triển bền vững.

Phải mất 3.000 năm nữa mới khắc phục hoàn toàn thảm họa Chernobyl.


Đúng 1 giờ 23 phút, ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, cách Kiev khoảng 100km về phía Bắc, bỗng phát nổ ngay trong quá trình chạy thử nghiệm. Suốt 10 ngày sau đó, bụi phóng xạ độc hại từ đây gây ô nhiễm tới 3/4 Châu Âu. Thậm chí, bụi phóng xạ được phát hiện tận Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, cách đó hơn 1.600km... Theo các chuyên gia nguyên tử, lượng phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl cao gấp hàng trăm lần hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Có 116.000 người trong phạm vi 30km xung quanh khu vực nhà máy điện nguyên tử - hiện vẫn bị bỏ hoang - được sơ tán vào năm 1986. Những năm tiếp theo, 230.000 người cũng đã buộc phải rời nơi họ đang sống...

Cho tới bây giờ, hậu quả của vụ nổ vẫn gây nhức nhối khi vẫn còn khoảng 200 tấn urani trong lò phản ứng hạt nhân bị nổ 30 năm trước. Mặc dù đã được "đóng băng" nhưng lo ngại rò rỉ phóng xạ không phải là vô căn cứ khi khối vòm "đóng băng" Chernobyl đã cũ và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, theo các chuyên gia hạt nhân, sớm nhất, phải 3.000 năm nữa con người mới có thể quay lại đây sinh sống.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, công bố năm 2005, chỉ có 4.000 ca tử vong được xác nhận trong ba nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhưng, theo các nghiên cứu độc lập của Châu Âu, con số thật về người chết do thảm họa cao hơn gấp nhiều lần, có thể lên tới 100.000. Hiện nay, nhiều công nhân vẫn đang ngày đêm làm việc khẩn trương quanh khu vực Nhà máy Chernobyl để khắc phục hậu quả còn lại tại đây. Dự án vỏ bọc an toàn mới trị giá 2,3 tỷ USD do Ngân hàng Kiến thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cùng các tổ chức gây quỹ, sẽ là "nấm mồ" mới ngăn chất phóng xạ rò rỉ ra môi trường thay cho lớp tường bê tông đã tồn tại hơn 30 năm bao quanh Nhà máy Chernobyl.

Trước sự cố Chernobyl, lịch sử nhân loại và Nhật Bản đã có thảm họa khủng khiếp tương tự. Nó để lại một hệ quả đau thương cho tương lai do chính bàn tay con người gây nên. Đó là thảm họa tại vịnh Minamata của Nhật Bản với căn bệnh cùng tên: Minamata do chất thải công nghiệp của một công ty gây ra. Suốt một thời gian dài từ năm 1932-1958, Công ty Chisso đã xả thải ra vịnh Minamata, tỉnh Kumamoto một lượng nước thải vô cùng lớn. Cho đến khi công ty này bị đóng cửa vào năm 1968, thì lượng xả thải ra vịnh Minamata đã biến vùng vịnh xinh đẹp này thành một "Vịnh chết". Theo nghiên cứu của các nhà bệnh học Nhật Bản, bệnh Minamata là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, phát tác từ các loại thực vật, động vật bị ô nhiễm thủy ngân trong quá trình sinh sống trong lưu vực vịnh Minamata.

Chúng hứng chịu tác động và sống trong môi trường xả thải của Công ty Công nghiệp hóa học Chisso. Căn bệnh được xác nhận vào năm 1956, trở thành bệnh học đầu tiên của loài người do ăn phải các thực vật, động vật ô nhiễm trong môi trường. Một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản cho thấy, lượng thủy ngân chưa được xử lý do Chisso thải ra vịnh Minamata lúc bấy giờ theo từng giai đoạn tăng từ 0,6 đến 6 tấn. Đến năm 1968, có 2.000 người đã thiệt mạng, và hơn 13.000 người bị ảnh hưởng do bệnh Minamata. Sau hơn 50 năm, tại Nhật Bản vẫn còn nhiều trẻ sơ sinh với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện vẫn bị nhiễm độc thần kinh do "hội chứng" Minamata, tiêu tốn nhiều triệu đô la của nhà nước.

Hậu quả của hai thảm họa - cả trong không gian lẫn nơi biển sâu - là quá rõ. Nó không chỉ là những thiệt hại có thể thấy ngay lập tức, mà còn gây hệ lụy khủng khiếp trong tương lai. Khu vực quanh Nhà máy Chernobyl bị bỏ hoang hơn 30 năm, dư chất phóng xạ còn lại giống như một "quả bom" còn sót. Còn bệnh Minamata, sau 50 năm vẫn chưa kết thúc với nhiều số phận trên xứ Hoa anh đào. Điều đáng nói ở đây là hai thảm họa ở hai châu lục xảy ra đúng vào thời kỳ cả Ukraine lẫn Nhật Bản đang trong thời khao khát phát triển. Thảm họa Chernobyl và Minamata không chỉ là một bài học mà còn là lời cảnh báo về đầu tư và phát triển bền vững, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học còn nguyên tính thời sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.