(HNM) - “Đi qua nghìn năm lịch sử, thành phố dường như đã tìm ra được thuật giả kim quý báu cho cuộc đời mình mà chỉ ít người Hà Nội có thể nói được bí mật đó nằm ở chỗ nào, mặc dù ai cũng rất yêu quý thành phố của mình”… - Martin Rama, cựu chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã viết như vậy về “nàng thơ” của mình trong cuốn “Hà Nội một chốn rong chơi”. Và chỉ vậy đã quá đủ để nói về sức hấp dẫn mang tên “Hà Nội”.
Tao nhã, thanh lịch
Mấy chục năm sống cùng Hà Nội, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao thành phố hơn một nghìn năm tuổi này lại hấp dẫn du khách nước ngoài đến vậy, nhưng anh bạn người Nhật Bản của tôi, sau nửa ngày “bát phố” đã tìm được câu trả lời, theo một cách rất đơn giản: Hà Nội đẹp. Đúng vậy! Cái đẹp luôn mang tới sức cuốn hút dù ở bất cứ điểm nhìn nào.
Hà Nội mang nét đẹp không đâu có được, lặng thầm nhưng chất chứa với những con hồ ẩn giấu vô vàn câu chuyện truyền thuyết về đất và người. Đến đó vào bất cứ lúc nào, mỗi người, dù từ nhiều nền văn hóa khác nhau, dù hiểu về Hà Nội nhiều hay ít, đều có thể thăng hoa trong không gian lãng mạn, thả hồn cùng những trầm tích kinh kỳ. Hà Nội đựng trong lòng một mê cung “ba sáu phố phường” kẹp giữa con sông Mẹ đỏ nặng phù sa và hồ Hoàn Kiếm nước xanh như ngọc. Phố cổ Hà Nội còn “gây nghiện” bằng những con phố nhỏ, ngõ nhỏ rung rinh nắng lá, với nhà chồng diêm, tường liền nghiêng nghiêng mái ngói, những mái chùa mà màu rêu cũng bạc thời gian. Hài hòa cùng những con phố đậm văn hóa Việt là phố Pháp mang phong cách kiến trúc phương Tây. Nơi đây, người ưa khám phá có thể tản bộ dưới những hàng cây, ngắm những di sản kiến trúc được thiết kế theo lối Art Deco hay Tân cổ điển mà say sưa bóc tách những lớp văn hóa giao thoa.
Hà Nội còn đẹp trong sự cuốn hút của những màn trình diễn phố phường, của đời sống người dân trong một không gian hội tụ nhiều giá trị. Đó là sự sống động của “phố hàng”, nơi dân làng nghề tứ xứ hội tụ với lối ứng xử, cung cách buôn bán khác nhau, nhưng qua thời gian đã được “Hà Nội hóa” bằng quá trình sàng lọc, chắt chiu. Đó là Hàng Mã, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Thiếc… sầm uất bán buôn, không chỉ gợi nhớ một thời chưa xa, mà còn là minh chứng cho tiến trình tiếp biến lịch sử trong đời sống đô thị của Thăng Long - Hà Nội. Góp vào màn trình diễn phố phường đầy cuốn hút ấy là ẩm thực vỉa hè với những món ăn mộc mạc, đơn giản mà ẩn chứa cả kho triết lý. Những câu chuyện phố phường bởi những “người thanh, tiếng nói cũng thanh” cùng một nếp giao thiệp đã thành thương hiệu, mà cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng “đóng đinh” trong nhận định: “Ý nhị, tế vi, tao nhã và thanh lịch”.
Tầng sâu văn hóa tạo nên cái đẹp riêng có, cũng là lực hấp dẫn của Thăng Long - Hà Nội. Và trong cách nghĩ của nhiều người say đắm thành phố này, Martin Rama có cơ sở thực tế để viết rằng:“Trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi, thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống; hơn thế nữa còn là một thành phố rất đáng yêu”.
Nguồn động lực để phát triển bền vững
Mỗi người có một góc nhìn, một lối tư duy, do vậy sẽ có những cách hiểu khác nhau về nhận định của Martin Rama - “Thành phố dường như đã tìm ra được thuật giả kim quý báu cho cuộc đời mình”. Tôi nghĩ, điều mà Martin Rama viết trong “Hà Nội một chốn rong chơi” không có gì “bí mật”, bởi lẽ, muôn đời vẫn thế, Thăng Long - Hà Nội vẫn là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa tinh hoa truyền thống của người Việt và những giá trị văn minh của nhân loại để tạo ra bản sắc riêng. Giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa gọi đó là: Nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nền văn hóa này là biểu tượng của kinh thành hôm qua, là nguồn lực của thành phố hôm nay.
“Thuật giả kim quý báu” của thời hội nhập chính là cái cách người Hà Nội sáng tạo ra văn hóa. Ví như việc thành phố tổ chức một không gian phố đi bộ rộng lớn giữa khu vực trung tâm, làm cho hồ Hoàn Kiếm ẩn chứa những trầm tích Thăng Long trở nên sống động hơn trong thời hội nhập. Và, du khách dù ở bất cứ đâu cũng có thể tìm thấy cho riêng mình những điều thú vị khác. Trong “sân chơi văn hóa” như nhiều người vẫn nói ấy, họ có thể chìm đắm cùng làn điệu hát Văn của người Việt hoặc hòa mình với những âm thanh du dương mang phong cách cổ điển châu Âu; có thể nhâm nhi ly cà phê mang phong vị giao thoa văn hóa Việt - Pháp hay tận hưởng cốc bia hơi vỉa hè trong con phố cổ, một đặc sản riêng có của người Hà Nội.
Di sản văn hóa không chỉ là cốt lõi của bản sắc dân tộc mà còn là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Từ lớp lang văn hóa sâu dày, thành phố tôi yêu luôn biết biến “cái không thể trở thành có thể”. Mấy mươi năm trước không ai có thể tưởng tượng con đê ven sông Hồng lại trở thành con đường gốm sứ được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới ghi danh là “bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”. Cũng không mấy người nghĩ rằng các vòm cầu nặng nề, thô kệch, bao nhiêu năm chỉ một nhiệm vụ cầu nối giao thông ở phố Phùng Hưng, lại có ngày khoác lên mình những bức tranh tường lộng lẫy, trở thành một trong những điểm tham quan đương đại nổi tiếng nhất trong lòng thành phố… Một “Tinh hoa Bắc Bộ” đã đánh thức một vùng không gian di sản xứ Đoài, tăng sức hấp dẫn cho hoạt động du lịch địa phương. Một hợp tác xã Vụn art khơi dậy tri thức sáng tạo trong lớp người yếu thế. Một Phố sách Hà Nội làm thỏa lòng bất cứ ai yêu thích văn chương… Sức sáng tạo văn hóa của người Hà Nội đã mang đến thật nhiều lợi ích cho người Hà Nội, đồng thời làm giàu có thêm cho nguồn tài nguyên du lịch văn hóa của Thủ đô.
Hà Nội hôm nay đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) với lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Thành công này không chỉ làm tăng cơ hội giao lưu, hợp tác, mà còn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi trên lộ trình trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á. “Hà Nội đang đón nhận một mô hình phát triển kinh tế và đô thị mới được thúc đẩy bởi thiết kế sáng tạo để làm giàu thêm những giá trị văn hiến và tạo nên sức hấp dẫn mới cho Thăng Long - Hà Nội”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn nhận định.
Nhìn vào tương lai, mỗi người yêu Hà Nội càng hiểu hơn việc triển khai Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với hiện tại và tương lai của thành phố. Không ai khác, những con người sẽ sáng tạo ra những giá trị văn hóa và văn hóa là nguồn động lực để “thành phố ngàn đời” phát triển bền vững trong thế giới hội nhập.
Nói cách khác, bề dày văn hóa, lịch sử tạo nên sức hấp dẫn của Thăng Long - Hà Nội. Cùng tiến trình lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của đô thị, thành phố thân yêu của chúng ta sẽ ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.