Công nghiệp văn hóa

Phố đi bộ - định hình giá trị mới cho Thủ đô: Lan tỏa thương hiệu thành phố đáng sống

Đoan Trang thực hiện 06/08/2023 - 15:22

Dù có nhiều lợi thế nhưng làm sao để các tuyến phố đi bộ trên địa bàn Thủ đô không chỉ trở thành không gian vui chơi, giải trí mà còn là không gian sáng tạo, đem lại nguồn cảm hứng không giới hạn cho cộng đồng, góp sức vào công cuộc định hình bản sắc đô thị, đó là bài toán không dễ.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

638264055787988294-buihoaison0954340407pm.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

- Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn! Là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc triển lãm nghệ thuật... phố đi bộ hiện còn được coi là không gian sáng tạo của Thủ đô. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý. Các phố đi bộ ở Hà Nội chính là những không gian sáng tạo của Thủ đô, bởi nó thể hiện sự đa dạng văn hóa và tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Sự phát triển của phố đi bộ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.

Cụ thể, phố đi bộ tạo ra một môi trường thuận lợi để người dân và du khách tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và văn hóa.

Bên cạnh đó, phố đi bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ và những người đam mê nghệ thuật có không gian để thể hiện tài năng và giao lưu với cộng đồng. Nhờ vào không gian này, nghệ sĩ có cơ hội thể hiện tác phẩm của mình, truyền cảm hứng cho nhau và tạo ra những sáng kiến mới, từ đó giúp tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ văn hóa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết về đa dạng văn hóa, nâng cao nhận thức của công chúng về nghệ thuật của Thủ đô và đất nước.

- Tuy nhiên, hiện tại, những không gian sáng tạo linh hoạt, tiềm năng này dường như vẫn chưa thể hiện được cá tính, bản sắc của từng khu vực mà vẫn na ná nhau, thưa ông?

- Theo tôi, đây đúng là điều đáng lo ngại. Thành công của không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận đã khuyến khích các địa điểm khác xây dựng nên các tuyến phố đi bộ. Điều này là cần thiết khi Hà Nội quyết tâm triển khai kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu mới - Thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, phù hợp với nhu cầu của người dân Thủ đô cũng như du khách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ áp dụng nguyên xi mô hình của không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận thì sẽ tạo ra thành công.

Khi các không gian sáng tạo giống nhau và không có sự khác biệt nhiều về nội dung và chất lượng nghệ thuật thì sẽ làm mất đi tính đa dạng văn hóa đặc sắc của từng khu vực. Mỗi quận, huyện, khu phố, hay thậm chí làng quê đều có cho riêng mình những giá trị văn hóa độc đáo, nhưng nếu các không gian sáng tạo không phản ánh được điều này thì không chỉ làm giảm tính hấp dẫn của khu phố đi bộ mà còn làm mất luôn cả cơ hội bảo tồn giá trị văn hóa mang tính bản sắc của khu vực đó. Điều này cũng dẫn đến sự nhàm chán của du khách.

- Theo ông, nguyên nhân là gì?

- Theo tôi, đầu tiên là vấn đề liên quan đến quy hoạch. Việc quy hoạch và phát triển không gian phố đi bộ có thể cho thấy sự thiếu cân nhắc cẩn thận về bản sắc văn hóa của từng khu vực. Có thể các quy hoạch này tập trung vào thiết kế thẩm mỹ hoặc tiện ích mà bỏ qua yếu tố đặc trưng và độc đáo của văn hóa địa phương. Thứ hai, là do nhận thức. Có thể những người tham gia xây dựng và quản lý các không gian này chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xác lập bản sắc văn hóa của từng khu phố đi bộ.

Thiếu thông tin và hiểu biết không đủ về văn hóa địa phương có thể khiến cho các không gian văn hóa không thể phản ánh đúng và đầy đủ những giá trị và bản sắc riêng biệt. Thứ ba, đôi khi những không gian đi bộ thường xác lập tiêu chuẩn chung để thu hút đông đảo du khách. Sự "tiêu chuẩn hóa" này có thể làm mất đi sự độc đáo và cá tính văn hóa địa phương, khiến cho các không gian này trở nên giống nhau, thiếu đi đặc trưng riêng. Thứ tư, quan trọng không kém là việc thể hiện cá tính và bản sắc văn hóa của mỗi khu vực phố đi bộ đòi hỏi sự đồng thuận và hỗ trợ từ cộng đồng.

Nếu không có sự đồng lòng trong việc bảo tồn và thể hiện văn hóa, các hoạt động và sự kiện tại không gian phố đi bộ dễ trở nên mơ hồ và thiếu sức hút. Cuối cùng, là nguồn lực đầu tư chưa đủ. Để thể hiện cá tính và bản sắc văn hóa, cần đầu tư vào nghệ sĩ, nhà thiết kế và các nghệ nhân để họ có thể sáng tạo và thể hiện tài năng. Thiếu nguồn lực đầu tư có thể khiến cho các không gian này thiếu đi các nội dung và hoạt động nghệ thuật đa dạng.

- Theo ông, Hà Nội cần phải làm gì để mỗi khu vực phố đi bộ mang bản sắc riêng, dấu ấn riêng và trở thành không gian sáng tạo độc nhất?

- Việc xây dựng thành công các phố đi bộ ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn trong việc lan tỏa thông điệp sáng tạo, tạo nên thương hiệu thành phố đáng sống, trung tâm văn hóa của Thủ đô đối với cả nước, và rộng hơn là thương hiệu của Việt Nam đối với thế giới. Vì thế, theo tôi, chúng ta nên tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất: Hà Nội cần có một quy hoạch cụ thể hơn nữa về các không gian phố đi bộ ở Thủ đô để tạo ra tính hệ thống, sự liên kết và đặc biệt là đặc trưng mang tính so sánh của từng phố đi bộ. Phố đi bộ khu vực hồ Gươm chắc chắn sẽ có những đặc trưng khác so với phố đi bộ ở Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn hay bất kỳ nơi nào khác.

Thứ hai: Cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng địa phương có thể tham gia và đóng góp ý tưởng vào việc xây dựng không gian phố đi bộ. Tổ chức các cuộc họp tư vấn với sự tham gia của công chúng, khảo sát ý kiến của các nhà sáng tạo ở từng địa phương, đó là cách hiệu quả để thu nhận ý kiến và hiểu rõ hơn về mong muốn của cộng đồng.

Thứ ba: Hỗ trợ và khuyến khích nghệ sĩ địa phương để họ thể hiện tài năng và sức sáng tạo trong việc trang trí và trình diễn tại các không gian phố đi bộ, từ đó giúp thể hiện cá tính và bản sắc văn hóa địa phương một cách rõ ràng, độc đáo.

Thứ tư: Cần đảm bảo việc xây dựng không gian phố đi bộ phải tôn trọng và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Không chỉ là việc trình diễn nghệ thuật, mà còn cần xem xét các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian và nghề thủ công của khu vực để đưa vào không gian này.

Thứ năm: Chú trọng thúc đẩy đổi mới và sáng tạo nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động và ý tưởng sáng tạo trong việc xây dựng không gian phố đi bộ. Cần thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong việc thiết kế và tổ chức các sự kiện. Các ý tưởng mới, độc đáo về nghệ thuật và văn hóa địa phương cần được khuyến khích và ưu tiên triển khai.

Thứ sáu: Cần xây dựng các chương trình và sự kiện mang tính đặc trưng bằng việc tổ chức các chương trình và sự kiện độc đáo cho từng khu vực phố đi bộ, hướng tới việc thể hiện và quảng bá bản sắc văn hóa của khu vực đó. Các sự kiện như hội chợ văn hóa, lễ hội địa phương, triển lãm nghệ thuật cùng các buổi biểu diễn truyền thống đều có thể góp phần tạo nên cá tính riêng biệt cho từng không gian.

Cuối cùng là xây dựng hệ thống quản lý phố đi bộ một cách hiệu quả. Cụ thể là cần xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ, các đơn vị quản lý và tổ chức liên quan cần phối hợp chặt chẽ và có sự đồng lòng trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động, sự kiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phố đi bộ - định hình giá trị mới cho Thủ đô: Lan tỏa thương hiệu thành phố đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.