Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm đến đáng đến, thành phố đáng sống

Hà Anh| 22/10/2022 14:12

(HNMCT) - Hà Nội đang giữa những ngày “thu thật là thu”. Và không chỉ du khách phương xa, mà ngay cả nhiều người đang sống trong lòng đô thị ngàn năm tuổi này cũng chung cảm nhận, rằng dường như mùa thu Hà Nội năm nay có vẻ gì đó quyến rũ, dễ say lòng người hơn. Phải chăng sau hai mùa trầm lắng bởi đại dịch, đến thu này Hà Nội mới trở lại rạng tỏa, phô bày vẻ đẹp lý tưởng vốn có của mình?

Hẳn là vì thế mà ngay từ đầu thu năm nay, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã chọn Hà Nội vào top 12 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới vào mùa thu 2022. Và mới đây, vào tháng 9 vừa qua, World Travel Awards (WTA) - giải thưởng du lịch hàng đầu thế giới - cũng đã trao cho Hà Nội danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á 2022”. Phải nói đó không chỉ là tin vui, là niềm tự hào đối với người dân Thủ đô, mà còn là cơ hội, là sự khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội trên trường quốc tế. Song đây cũng không phải là chuyện mới. Thực tế từ nhiều năm qua đã có nhiều tạp chí, tổ chức du lịch hàng đầu thế giới bình chọn, đánh giá, tôn vinh Hà Nội là một điểm đến hàng đầu châu lục và thế giới, “điểm đến an toàn, chất lượng”, “thành phố đáng đến” với rất nhiều sản phẩm du lịch không thể bỏ qua... Và đây cũng là nhận định chung của rất nhiều du khách Việt đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Quả thực là hiếm đô thị nào sở hữu nhiều tiềm năng du lịch như Hà Nội. Theo thống kê, Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa và gần 1.800 di sản phi vật thể (đứng đầu cả nước về số lượng di tích, di sản); 806 làng nghề và làng có nghề (chiếm 50% số làng nghề cả nước). Hệ thống cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, phong phú; hệ thống công trình kiến trúc đô thị đa dạng và độc đáo, tiêu biểu cho các thời kỳ, từ kiến trúc tôn giáo, phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc cho đến kiến trúc thời kỳ xã hội chủ nghĩa và kiến trúc đương đại. Ngoài ra, với tinh hoa ẩm thực ngàn năm, có sự giao thoa với ẩm thực các vùng miền và ẩm thực thế giới, ẩm thực Hà Nội thực sự “gây thương nhớ” trong lòng du khách với rất nhiều món ngon không thể bỏ qua… Đặc biệt là nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, nền nã từ xa xưa đã làm nên “tiếng thơm” của người Hà Nội. Tất cả những giá trị đó đã làm nên “hồn cốt” của Thăng Long - Hà Nội, khiến mảnh đất “lắng hồn sông núi” thực sự là một kho báu, một “mỏ vàng” du lịch, nguồn tiềm năng, lợi thế vô giá đối với ngành Du lịch. Những giá trị đó đã “ghi điểm” trong lòng bạn bè bốn phương, khiến Thủ đô Hà Nội trở thành một điểm đến thú vị, một thành phố đáng đến.

Tuy nhiên, với rất nhiều người đang sống, làm việc tại Thủ đô và kể cả không ít du khách, Hà Nội đã thực sự là thành phố đáng sống hay chưa lại là câu chuyện rất khác. Cho dù không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô, cùng với đó là những thành tựu kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm gần đây, nhưng rõ ràng Hà Nội chưa thể được xem là nơi có điều kiện sống lý tưởng khi mà trong đời sống xã hội hằng ngày vẫn tồn đọng không ít vấn đề nhức nhối. Đó là vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm bởi tiếng ồn và rác thải, là tình trạng úng ngập, “phố biến thành sông” mỗi khi có mưa lớn, là hiện tượng “bún mắng cháo chửi”, ứng xử kém văn hóa của một bộ phận người dân…

Chính vì thế, phải làm sao để Thủ đô thực sự là một điểm đến đáng đến, một thành phố đáng sống lâu nay luôn là nỗi trăn trở thường trực trong tâm thức của những người yêu Hà Nội. Và để hiện thực hóa mục tiêu, mong muốn này không chỉ cần sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề tồn đọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị…, mà còn là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi người đang sinh sống, làm việc ở Thủ đô trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, qua đó góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị của mảnh đất “lắng hồn sông núi”, đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm đến đáng đến, thành phố đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.