(HNM) - Vận nước luôn gắn liền với vận mệnh Thủ đô, bởi Thủ đô là đầu não và trái tim của một đất nước. Đây là nơi muôn dân ngóng đợi, mong chờ những quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc, cũng là nơi thiên hạ trông vào. Vì thế, Thủ đô Hà Nội vừa là gương soi, vừa là hàn thử biểu phản ánh sự yên bình, thịnh vượng của Việt Nam.
Về mặt chính trị, Thủ đô là mặt trời của sự phát sáng, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc và bồi đắp lòng tin của nhân dân, nâng cao vị thế đất nước. Về mặt kinh tế, Thủ đô là một trung tâm và động lực nội sinh có tính quyết định cho nền kinh tế cả nước.
Về mặt quốc phòng, an ninh, Thủ đô là nơi tuyệt đối bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động đối nội, đối ngoại. Về mặt văn hóa, Thủ đô luôn là viên ngọc báu của tinh thần dân tộc, nơi tỏa ánh hào quang cho truyền thống văn hiến và nếp sống văn minh; đồng thời cũng là cửa sổ đón nhận những tinh hoa văn hóa Việt từ mọi miền đất nước, của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trên thế giới, từng có nhiều kinh đô hoang tàn, đổ nát bởi đất nước suy tàn, rơi vào cảnh loạn lạc. Điển hình là thành Giêrusalem có tuổi đời khoảng 3.000 năm, từng là chứng nhân và nạn nhân của những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại (Đế quốc Babilon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Thổ Nhĩ Kỳ, đế quốc Anh đều đã chiếm đóng Giêrusalem). Bagdad là thủ đô của Iraq từng một thời vàng son, huy hoàng, là chiếc nôi của những câu chuyện ly kỳ “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng kể từ khi Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến “chống khủng bố” thì Bagdad lại là hố tử thần và là sự khai tử một nền văn hóa ngự trị trên đỉnh cao một thời gian dài trong lịch sử Trung Đông và nhân loại. Ở khu vực Đông Nam Á, thủ đô PhnomPenh của nước bạn Campuchia, 40 năm trước là địa ngục của trần gian bởi nạn diệt chủng.
Về phần mình, Cổ Loa - Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội từng phải trải qua những lúc vận nước suy tàn, loạn lạc, chiến chinh, bị ngoại bang chiếm đóng hoặc rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”, “loạn kiêu binh” chỉ vì thoán đoạt ngôi báu. Đó là những bài học xương máu lịch sử, không ai được phép quên lãng.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội luôn xứng danh là Thủ đô Anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá loài người, Thành phố Vì hòa bình. Khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Hà Nội đứng trước nhiều dông tố của cơn địa chấn chính trị có tính thời đại, trước hết là sự khủng hoảng kinh tế, nạn lạm phát phi mã gần tới 300%, khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Chính trong giai đoạn vô cùng khó khăn như vậy, Hà Nội lại là nơi thắp sáng tư duy đổi mới.
Đến nay, sau hơn 30 năm kiên trì, nỗ lực, sáng tạo, với sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, sự chia sẻ của các ban, bộ, ngành và sự kỳ vọng, ủng hộ của đồng bào cả nước, sự hợp tác của bạn bè quốc tế, Hà Nội đã và đang cán đích nhiều dấu mốc có tính lịch sử: Là thành phố năng động, sáng tạo, thực hiện cải cách hành chính quyết liệt, nơi thu hút đầu tư nước ngoài và du khách thế giới vào tốp đầu cả nước, được tham gia và bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện tầm cỡ khu vực, quốc tế, quốc gia. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, hơn 8% về dân số, nhưng hiện Hà Nội đóng góp tới 16,6% GDP và 17,2% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hà Nội cũng đã và đang có mối quan hệ, hợp tác với hơn 50 tỉnh, thành toàn quốc để mở rộng dư địa phát triển. Hà Nội thường đi đầu trong các hoạt động từ thiện, tương thân, tương ái không chỉ với người dân trên địa bàn mà với đồng bào cả nước. Qua đó, cho thấy mệnh lệnh trái tim “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” đã và đang hiển minh trong cuộc sống đương đại. Hà Nội còn là nơi cung cấp những cơ sở thực tiễn để Trung ương thí điểm mô hình mới, tổng kết thực tiễn bổ sung và phát triển lý luận cho việc hoạch định những chủ trương, đường lối, chính sách mới.
Có người bạn từ miền Nam ra, phát biểu cảm tưởng “Hà Nội đẹp quá, phát triển và thay đổi từng ngày”; có Việt kiều từ phương xa về lòng thấy lâng lâng tự hào tưởng trong mơ khi có thời khắc đắm mình trong trời đất và cuộc sống Thủ đô; có những vị khách du lịch không khỏi thán phục về một Thủ đô của Việt Nam vừa cổ kính, vừa hiện đại. Nhìn vị thế của Hà Nội, chúng ta đều có cảm nhận rằng, từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, nhất là từ khi nước nhà độc lập, non sông thống nhất đến nay, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ tươi sáng như hiện thời.
Một dân tộc từng sống kiếp đời nô lệ, là một phần trong bản đồ các thuộc địa của thực dân, đế quốc nay thực sự là nước độc lập, tự chủ, có quan hệ đối ngoại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia vào hầu hết các thể chế và tổ chức thương mại quốc tế, được đề cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Từ một đất nước thiếu lương thực, thực phẩm, dựa vào viện trợ từ nước ngoài, Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo và hàng nông, hải sản ở tốp đầu thế giới. Từ một nền sản xuất thô sơ, lạc hậu, Việt Nam đã có những vệ tinh (tuy còn khiêm tốn) trên không trung; từ một quốc gia có nền tảng truyền thông chủ yếu dựa vào loa phóng thanh và báo giấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có bước nhảy vọt về truyền thông số.
Thế giới giờ đây đang nhắc đến Việt Nam với tư cách một đất nước ẩn chứa nhiều điều thần kỳ, năng động, sáng tạo, bứt phá, giữ được ổn định chính trị, giữ được tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại và có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, chúng ta không quá say sưa “trên vòng nguyệt quế” như lời chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bởi trước mắt và con đường phía trước còn đầy chông gai, có những khó khăn, thách thức do tầm nhìn và trình độ điều hành, quản lý, quản trị phát triển còn phải “vừa làm vừa học”, cần điềm tĩnh, bản lĩnh, cần dựa vào truyền thống văn hóa có tính “mở”.
Văn hóa Hà thành là một điển hình” để làm sức mạnh “mềm” cho dân tộc hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước nhà cường thịnh, có một Thủ đô với dáng rồng bay cao, bay xa, góp phần to lớn vào việc xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, làm cho “Dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.