Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Gỡ khó từ sản xuất đến tiêu thụ

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 28/09/2016 06:52

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) sẽ trở thành xu thế tất yếu, nên thị trường thực phẩm sạch luôn đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh.

Chăm sóc rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn).Ảnh: Sơn Tùng


Tuy nhiên, để gỡ khó cho bài toán tiêu thụ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp quy, cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho vùng sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Sớm ban hành quy định về sản phẩm hữu cơ

Trao đổi về vấn đề này, hầu hết DN, người sản xuất NNHC đều đề nghị Nhà nước sớm ban hành bộ quy định cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhằm giúp DN khẳng định niềm tin với người tiêu dùng và người dân an tâm khi bỏ nhiều tiền mua các sản phẩm hữu cơ.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết: Việc áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ hiện nay của nông dân chủ yếu dựa trên nguyên tắc cơ bản của Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM). Do đó, đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy định về quản lý sản phẩm hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm NNHC theo quy chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là quy định về đăng ký, chứng nhận, chỉ định tổ chức chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm hữu cơ, đồng thời phân công các bộ, ngành quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về sản phẩm hữu cơ cho khoa học.

TS Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT): Mỗi vùng, miền cần xác định các vùng trọng điểm để phát triển NNHC song hành với nông nghiệp hàng hóa giá trị cao. Trong đó, xác định rõ phân khúc thị trường của NNHC là dành cho tầng lớp trung lưu trở lên, còn sản phẩm nông nghiệp hàng hóa năng suất cao là đáp ứng với số đông người dân. Các địa phương cần coi DN là lực lượng chủ lực trong việc lựa chọn xây dựng các tuyến, kênh sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó là liên kết, ký cam kết với HTX, hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cạnh tranh.


Thực tế cho thấy, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và chứng nhận về sản xuất NNHC không khó bởi các nước xung quanh Việt Nam như: Lào, Campuchia, Thái Lan… đã xây dựng được. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc này, song cần có sự giám sát chặt chẽ, quy định rõ ràng với các điều kiện ràng buộc từ khâu sản xuất tới tiêu thụ.

Không chỉ cấp giấy chứng nhận hữu cơ, các DN kinh doanh cần minh bạch về thông tin để tự bảo vệ mình. Cụ thể, Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm hữu cơ Oganica đề nghị, các DN cần minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Khi đó, khách hàng chỉ cần kiểm tra bằng điện thoại thông minh là có thể biết rõ được quy trình sản xuất, giúp DN chứng minh được thực phẩm sạch và quy trình sản xuất sạch, an toàn. Từ đó NNHC mới có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách bảo lãnh hỗ trợ về tài chính để tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, giúp DN đầu tư vào công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, phục vụ cho sản xuất và chế biến.

Tổ chức lại sản xuất

Thực tế cho thấy, với lợi ích lâu dài, NNHC cần được phát triển và nhân rộng ở Việt Nam, vì vậy các bộ, ngành cần tạo điều kiện cho các công trình nghiên cứu về NNHC được thực hiện, giúp người tiêu dùng và người sản xuất nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm này.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Công ty Organic Đà Lạt cho biết, nếu có chiến lược kinh doanh, sản xuất rau hữu cơ có thể đạt 1 triệu USD/ha, nhưng Việt Nam chưa quy hoạch được diện tích và thủ tục thuê đất rườm rà. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên giao đất sản xuất cho DN, chủ trang trại sản xuất NNHC với quy mô lớn theo chuỗi giá trị để thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị trường. Bà Trương Kim Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (Thạch Thất) cũng đề nghị: Nhà nước cần hỗ trợ cho DN được tiếp cận với quy trình sản xuất hữu cơ của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là công nghệ chế biến, sơ chế, đóng gói rau củ quả cũng như bảo quản sau thu hoạch để thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm, giúp DN sản xuất hữu cơ cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài…

Mặt khác, để tạo dựng chỗ đứng cho các sản phẩm NNHC trên thị trường, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của NNHC đối với sức khỏe, môi trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các địa phương cần quy hoạch những vùng sản xuất hữu cơ cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thông tin đầy đủ về địa chỉ và sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng. Tại vùng sản xuất hữu cơ, nên tổ chức thành HTX hoặc tổ nhóm nông dân để kết nối giữa người sản xuất và đơn vị phân phối sản phẩm ra thị trường.

Còn theo bà Ngô Kiều Oanh - đại diện nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì, trong khi đầu ra các sản phẩm hữu cơ đang gặp khó, các địa phương nên đẩy mạnh hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính cộng đồng và bền vững tại các trang trại hữu cơ… Khách du lịch vừa tham quan vừa thưởng thức và mua sắm các sản phẩm NNHC - đây có thể coi là cách bán hàng hiệu quả lâu dài và ổn định nhất đến tay người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Gỡ khó từ sản xuất đến tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.