(HNM) - Đất đai là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Luật Đất đai sửa đổi lần này không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc mà mục tiêu quan trọng là khơi thông mọi nguồn lực từ tài nguyên đất đai, tạo ra động lực mới, đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xây dựng cách tính giá đất hợp lý
Việc thay đổi cách tính giá đất phù hợp góp phần tạo ra môi trường thu hút đầu tư, đổi mới, sáng tạo và cũng từ chính sách đất đai hợp lý, sẽ giúp phục hồi, phát triển và bảo vệ chất lượng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, lịch sử, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều vấn đề cần nghiên cứu, sự góp ý từ những am hiểu của người dân, chuyên gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn, lắng nghe về những tồn tại, vướng mắc và các góp ý giải pháp từ phía người dân, doanh nghiệp... để việc sửa đổi lần này đạt được mục tiêu cao nhất”.
Ông Nguyễn Đắc Tùng ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) cho biết, gia đình ông hiện có 1.000m2 đất nằm trong Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ông rất ủng hộ Nhà nước thực hiện dự án này và đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Tùng cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần phải tách bạch rõ mục đích thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội thuần túy, từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, đền bù khác nhau, tránh gây thiệt thòi cho người sử dụng đất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Linh, ở phường 21 (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về việc có tình trạng địa phương thu hồi đất của người dân với giá thấp, sau đó giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án đô thị, nhà ở với giá cao gấp nhiều lần, nên mong muốn sớm có quy định nhằm chấm dứt tình trạng này và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất bị thu hồi, nhà nước, nhà đầu tư…
Về những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm; những khó khăn nảy sinh khi xây dựng, triển khai quy định cụ thể về xác định giá đất, vướng mắc pháp lý, công nghệ, cơ sở dữ liệu…, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có bản đồ về giá đất. Khi hoàn thành việc đo đạc, các thửa đất đều được thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hằng ngày và Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Nhiệm vụ sửa đổi Luật Đất đai lần này là xây dựng hệ thống thông tin và dữ liệu đất đai nhằm kết nối thống nhất, tập trung, quy định người dân có quyền tiếp cận thông tin về đất đai. Đây là giải pháp cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch thông qua cung cấp dịch vụ công. Qua đó, người dân giám sát được tài nguyên đất đai và nắm bắt thông tin cũng như chủ trương, chính sách về đất đai.
Bảo đảm lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, thu hồi đất là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Người dân có thể chấp nhận chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước; nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm...
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, cho thấy, Nhà nước đặt quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất lên trên hết. Do đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm phải được thiết kế hợp lý, tạo sự đồng thuận của đại đa số người bị thu hồi đất, cũng là mấu chốt đặt ra trong thực tiễn triển khai.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật Đất đai lần này là: Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Trước sự quan tâm của nhiều người dân về vấn đề đầu cơ đất đai, lũng đoạn thị trường về giá đất, đất nông nghiệp bỏ hoang, đất dự án chậm đưa vào sử dụng…, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, hiện nay, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn đã làm được tới 96%, trong khi quy hoạch đất đai gắn với giao thông, không gian đô thị, sẽ mở ra vấn đề giá trị đất tăng lên, phát triển kinh tế - xã hội tăng theo. Do đó, cần quản lý chặt về chỉ tiêu phân bổ quốc gia để quản lý đất đai một cách hiệu quả.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành và sẽ nghiên cứu để thể chế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi, nhằm ổn định thị trường, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Mục tiêu quan trọng nhất là khơi thông mọi nguồn lực từ tài nguyên đất đai, tạo ra động lực mới, đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.