Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn lực đất đai đóng góp ngân sách quốc gia hơn 270.000 tỷ đồng

Ánh Dương| 23/12/2022 14:53

(HNMO) - Sáng 23-12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Tài nguyên và Môi trường.

Nguồn lực đất đai chiếm 20,09% tổng thu nội địa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Năm 2022, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết hơn 8,4 triệu thủ tục hành chính; tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn đạt trung bình trên 95%; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính kết nối tới Cổng dịch vụ công quốc gia; đã có 554/701 đơn vị cấp huyện hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20.000ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp, khai thác gần 30.000ha đất chưa sử dụng để phát triển rừng, đưa diện tích đất có rừng lên 15.440.000ha, chiếm 46,59% diện tích tự nhiên của cả nước; kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 10.000ha.

Năm 2022, mặc dù Chính phủ đã thực hiện các giải pháp miễn giảm, giãn, hoãn thu tiền thuê đất, tuy nhiên, nguồn lực đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, đạt 270.130 tỷ đồng, chiếm 20,09% tổng thu nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 80 công trình với tổng số tiền 755,061 tỷ đồng; nguồn thu từ khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước là 4.115 tỷ đồng, đạt 131,5%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,5% so với năm 2021, đóng góp 1 điểm phần trăm cho tăng trưởng chung...

Toàn cảnh hội nghị.

Triển khai cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, quy định, chiến lược, đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu...; hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%.

"Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả"

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, năm 2023, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, môi trường; xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược của các cường quốc trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, phát thải sẽ tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cần phát huy hơn nữa tinh thần "chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả" trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội; tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, xu thế của thời đại; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...

Năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế; tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển, nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18-20% thu ngân sách nội địa; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng; đơn giản hóa 15-20% thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường, phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những thành tựu ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng bộ luật, hệ thống văn bản dưới luật về đất đai nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập hiện nay đồng thời đẩy mạnh việc số hóa đất đai, tiến tới thiết lập mã định danh với từng thửa đất; tiếp tục phát huy sáng tạo, tiên phong về đổi mới chính sách để đưa kinh tế phát triển bền vững hơn...

Nhân dịp này, đã có nhiều tập thể, cá nhân ngành Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực đất đai đóng góp ngân sách quốc gia hơn 270.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.