Góc nhìn

Khơi nguồn lực đất đai

Minh Tuấn 19/01/2024 06:10

Sau 4 kỳ họp cho ý kiến, sáng qua (18-1), tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%).

Với 16 chương, 260 điều, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đồng thời, luật có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là dự án luật khó và phức tạp không chỉ với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, với các đại biểu Quốc hội mà còn với cả cử tri cả nước khi quan tâm theo dõi, cho ý kiến suốt thời gian qua.

Vì thế, để bảo đảm chất lượng, hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua đã được các cơ quan, tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình xin ý kiến tại 4 kỳ họp Quốc hội, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, có 1 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động cùng trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1-1-2025 đã thật sự đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân. Với những điểm mới mang tính đột phá, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo ra những giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài để tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đây là một đạo luật lớn, được coi là “chìa khóa” khơi thông nguồn lực đất đai vì bao trùm và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, đầu tư, kinh doanh bất động sản, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội. Luật cũng có nhiều quy định liên quan đến nhiều luật, bộ luật hiện hành. Vì thế, để Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có hiệu lực sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật; tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định.

Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như những nội dung trọng tâm của luật tới người dân, doanh nghiệp cần được triển khai ngay để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định. Cần phát huy dân chủ, tăng cường giám sát trong xã hội, kịp thời giải quyết khiếu kiện về đất đai là những vấn đề phức tạp dễ gây bức xúc trong nhân dân…

Đặc biệt là phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phòng, tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất để trục lợi… Có như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) mới thực sự đi vào cuộc sống và đất đai trở thành nguồn lực phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.