(HNM) - Đại tá trưởng đoàn và thiếu tướng cố vấn đoàn đại diện chính phủ Hoa Kỳ, cùng là cả bấy nhiêu sĩ quan Hoa Kỳ ăn nguội sơ sơ ở ngay cái tầng gác ga bay Gia Lâm. Vừa ăn vừa chờ Ủy ban quốc tế tới làm thủ tục trao trả đợt cuối cùng. Sát nách buồng ăn nguội, cái gì chí chát và động đậy ồn ào đều đều ở bên cạnh thế nhỉ?
Không có gì đặc biệt cả; đó chỉ là những tiếng đục sàn, trát tường vỡ, vá tường, xây tường gác của hiệp thợ nề trai gái Hà Nội; họ đang tái tu lại gác ga bay mà không lực Hoa Kỳ đã bom mạnh vào - B.52 hồi tháng chạp 72. "À, đúng như một sĩ quan cộng hòa Sài Gòn đã lưu ý mình, gà rán Hà Nội ngon thơm hơn gà ướp tủ Sài Gòn… Cà phê vẫn kẻng như mọi lần chờ trao trả, nhưng hình như có đặc và đắng hơn… Không rõ ở Sài Gòn có cuốn cờ rút hết quân cho đúng ngày giờ, nếu không thì…".
Tác giả tại một địa điểm bị máy bay B.52 của Mỹ bắn phá trong 12 ngày đêm. |
Mép đường băng bay, thủ tục trao trả đợt cuối cùng đã bắt đầu, và sĩ quan Hà Nội đang dõng dạc: "Những người Mỹ bị bắt, hãy nghe rõ tên mình, mà bước ra khỏi hàng để lên máy bay". Các sĩ quan đoàn đại diện chính phủ Hoa Kỳ đau đáu theo dõi lần lượt ra khỏi hàng 40 sĩ quan tù binh - (xin lỗi, tôi nói nhầm vì quen miệng) 40 nhân viên quân sự trao trả. "À, mùa xuân Hà Nội đã nóng nhiều, họ không mặc bờludông cho người trả mình, mà đã bắt đầu cho mặc sơmi xanh da trời. Mùa xuân Hà Nội nóng sớm năm nay, chả thấy CIA nó báo trước tí gì cho đoàn đại diện… còn 67 người nữa, ngày mai, thế là xong. 9 trung tá, 18 thiếu tá, 49 đại úy, 27 trung úy, 4 thượng sĩ súng máy B.52; B.52 là 33 nhân viên quân sự… Mình có ném bom vào xưởng đóng giầy Nam Đồng của họ, vậy mà họ vẫn đủ giầy tốt cho nhân viên quân sự Mỹ được trao trả. Ô kê. Chả hiểu những đợt chiều nay và ngày mai, có thằng phi công nào lại đút mèo đút chó kỷ niệm vào túi du lịch như tên Antônni Đavít nữa không đây!... Nhưng mà nếu ngày mai Sài Gòn chưa rút đi người lính Mỹ cuối cùng, thì chả hiểu rồi còn ra sao đây…".
Sớm 29-3-1973, sân bay Gia Lâm cho đỗ xuống một tàu bay Lào bay từ Vạn Tượng sang. Gần ba chục phóng viên báo và ti vi Mỹ, Anh, Tây Đức thuê riêng máy bay đó cứ ngồi trên tàu bay thuê mà chờ tình hình trao trả. Lúc họ được xuống mặt đất Hà Nội để đi xem trại giam tù, thì cái tàu bay họ lại đậu tít ở cuối đường băng mà cánh quạt vẫn quay rền không tắt máy. Trông cứ như là cái tàu Lào ấy đã chồm vào đường xe lửa đi Hải Phòng. Trên nền đường sắt, vừa nghênh tàu hỏa, vừa kiễng chân lên, người người đều muốn chờ xem tí về cái đám Hoa Kỳ "tống khứ hải hà" này. Áo cánh trắng đi xem trao trả đông nghìn nghịt, trên tàu bay mà nhìn xuống cứ như là hằng hà hạt muối hạt gạo tống tiễn ném theo mấy xe tù. Bên bờ Hà Nội, bên bờ Gia Lâm mà ngay trên cầu Long Biên, đông hơn cả cái thời thực dân Pháp mở hội cầu tháng 2-1902 mời cả vua Thành Thái ra cùng cắt băng. Xưa, thu quyết, mùa thu chém tù; thì nay xuân (khoan) hồng. Bốn xe ca chở phi công Hoa Kỳ được trao trả đã tiến vào gần mố phía Hà Nội của cầu Bồ Đề (tên cũ của cầu Long Biên). Thế là hết cả rồi à! Chà tiếc làm quái gì. Nhiều bậc Hà Nội nhớ cũ ôn thầm mấy trang "Hoàng Lê nhất thống chí", cái đoạn mùa xuân vua Quang Trung đuổi quân xâm lược khỏi Thăng Long, quân Tôn Sĩ Nghị chạy vỡ cầu phao, xác trôi đầy dòng "nước sông Hồng không chảy được nữa". Và bây giờ:
"Nhong nhong ngựa ông đã về
Giặc đến Bồ Đề rồi giặc lại tan".
Bốn xe ca trao trả nhân viên quân sự Hoa Kỳ(!) có nét vẽ sơn xanh cành lá nghi trang(!) từ ngày chưa hòa bình, đã bon bon gần qua hết 19 nhịp cầu Bồ Đề. Cái cầu Bồ Đề bị bom suốt hai triều đại binh đao tổng thống Mỹ. Nay, nửa cái cầu tự lực cánh sinh mà làm lại, trông như một thân áo nâu phải thay hẳn đi một vai. Dưới cầu - đã chảy biết bao nước chảy gậm cầu - sông Hồng hiền hòa mùa xuân đang vuốt mượt lá ngô bãi. - Và phù sa xuân cho tôi ra những thanh sắt gỉ của cầu bị thương nặng do 14 trận bom xuyên phá của "nhân viên quân sự Hoa Kỳ". Bốn xe ca trả Hoa Kỳ qua hết cái cầu sống sót, qua mép bãi Bồ Đề đang "nhong nhong ngựa ông" qua phố ga Gia Lâm tan hoang mấy đận vừa rồi. Thôi, cho nó xong đi. Ấy cũng phải đến thế rồi có xong thì mới xong. Bất giác thấy phục hiện một số chi tiết vừa thu được ở trại giam Hintơn - Cầu Mới, cách cột đồng hồ Ngã Tư Sở trăm mét chim bay, cạnh sông Tô Lịch rau muống, cách đây mới chỉ vài trăm phút. Trong trại tù, cạnh sân bóng vôlây là một sào cà chua lá xanh rờn, và xà lim này xà lim nọ là những trái cà chua mũm mĩm. Đám tù này được trồng cây và đã kịp bói quả, trước khi trở về bên kia tự do. Có tên đã bỏ sẵn vào túi du lịch trái cà lưu niệm, cả một vài mảnh bom Mỹ ném hồi nọ trúng góc trại, làm một số bị thương. Trong một buồng khác, thấy có thẩu cá vàng, và lại có cây cảnh nữa. Cậy hai viên gạch carô lên, trồng vào đấy ít khóm đậu nành và mấy đọt rau húng. Thấy tôi bứt cái lá trồng xanh mượt mà "chủ" nó được tha sắp bỏ lại xứ này để ra đi, tên tù cười cười: "Verigút". Chao ôi, con người ta cũng chúa là hay quên. Tụi bay có nhớ là đã phá hỏng bao nhiêu rừng cây lành và hủy diệt bao nhiêu vườn quả không?
C.141 đã đậu sẵn để nhận người được thả. Gọi đến đâu, tiến lên đến đấy, một tay kè kè cái túi du lịch đen. Tôi biết là chuyến này ngoài lạt bánh chưng, dép lốp, quần áo pigiama sọc đỏ bầm xin mang theo về bang quê hương gọi là tí quà chiến tranh, họ còn mang cả điếu cày nữa. Chả biết nó nằm trong cái túi nào đang tách ra khỏi hàng. Cái thằng cha chống đôi nạng kia gợi lại mấy trang "Stalingơrát" của Tôôđorơ Pliviê ghi những nét bại tẩu của sư đoàn phát xít. Có tên cầm túi du lịch ở tay phải, giơ tay trái chào, rồi lúc vội, lại đưa luôn tay trái ra mà bắt tay thượng cấp lái mình ra đường băng bay. C.50.080 nhận đủ người, chưa kịp cất cánh thì chiếc C.50.238 đã vòng lượn và hạ xuống. Cả hai đứa nó rú máy, nó tăng máy, nó đạp máy cho nóng, nó nháy đèn, nghe bạt nhĩ mà nhớ những ngày nó bay vào để quăng hết thứ này thứ khác vào mình. Trao trả đến người cuối cùng, đến tên quan tư hải quân đội sổ tự do Acniu thì người đi xem tràn hết vào đường băng. Nhiều cụ bà đeo kính vào bỏ kính ra để nhìn cho rõ cái lúc cút đi của một đám khách không mời này đang sắp "liệu mà cao chạy xa bay" (Kiều). Hai nhà báo trẻ đùa nhau: "Còn tên nào nữa không? - Nếu gây lại cuộc chiến tranh nữa, thì còn vẫn còn!".
Tầng dưới ga bay, quầy hàng sơn mài, quầy vàng bạc chạm trổ, quầy bán tem Việt Nam, vô khối người hỏi hàng. Vô khối người các nước đổi tiền. Có tung thêm mấy chục két bia Trúc Bạch nữa cũng cứ hết veo. Xuân này vẫn còn là xuân lửa, nóng (bên kia bờ sông Thạch Hãn, súng to vẫn còn nổ). Trong phòng họp báo của bốn bên, vài sĩ quan Sài Gòn vẽ vời giở giọng, nhưng rồi cũng phải ký vào biên bản của đợt trao trả tốt và hết. Tin mới nhất cho biết là trong kia Sài Gòn đơn vị cuối cùng Mỹ đang cầm vào sợi dây cờ sắp hạ cờ, và người lính bộ Hoa Kỳ đã cuốn gói để chỉ tí nữa thôi là bán xới.
Mười sáu giờ kém 20 (giờ của người viết này) chiếc C.141 cuối cùng nổ máy trên đường băng, chạy khoảng trên nghìn mét băng thì bánh trước đã lìa được đất Hà Nội rồi biến vào phía biển Đông. Lúc ấy 16 giờ kém 15. Gốc gạo đỏ cháy trên đường 5, đánh rớt đóa hoa cuối cùng, hoa xoáy tít như một quả toócpi (thủy lôi) sơn màu máu.
Chưa lần nào sân bay Gia Lâm đông như buổi tống đưa này. Thế mà, khiếp quá, không có lấy một nhánh hoa nào. Không một lời nào thốt ra. Mà lại tuyệt đối không một cánh tay nào vẫy vẫy như thường lệ ở ga bay Hà Nội vốn lưu luyến. Không một cặp mắt nào chịu nháy. Chỉ có máy bay Hoa Kỳ nổ ầm ầm. Cả một sân tống tiễn yên lặng. Lặng thinh mà nhìn theo một đám khói tăng tốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.