(HNM) - Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Kỳ thi cơ bản thành công, giúp giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt còn hạn chế như công tác truyền thông chưa được chú trọng; việc chỉ đạo hướng dẫn xét tuyển trong đợt 1 còn lúng túng, chưa chặt chẽ, vấn đề kỹ thuật còn bất cập... Tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đóng góp của các lực lượng xã hội, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho những năm tới - lãnh đạo Bộ khẳng định.
Các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Viết Thành |
Những hạn chế đã được khắc phục
Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, những thành công là cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại về phương diện kỹ thuật, chủ yếu ở khâu xét tuyển sinh đợt 1. Điều khiến dư luận bức xúc là tình trạng căng thẳng, nhiều người phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà do quy định thí sinh được đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng không hạn chế số lần rút và ĐKXT lại trong 20 ngày. Nhưng tình trạng này không phải chỉ thuần túy vì quy định về thay đổi ngành. Nguyện vọng đợt 1 chưa hợp lý, thời gian xét tuyển kéo dài 20 ngày... mà còn bởi công tác truyền thông làm chưa tốt.
Năm nay, với đề thi khác về mục đích như mọi năm, kết quả thi cho phổ điểm không giống các năm trước nhưng ngành GD-ĐT, nhất là ở các địa phương, đã không kịp thời giải thích để thí sinh lường trước được khả năng trúng tuyển của mình. Mặc dù thi trước, xét tuyển sau nhưng thí sinh vẫn căn cứ vào điểm trúng tuyển các năm trước của các trường để ĐKXT. Sau khi có điểm sàn, lãnh đạo các trường không đưa ra mức điểm nộp hồ sơ phù hợp với trường mình. Vì vậy, khi các trường thống kê danh sách thí sinh ĐKXT mới nhận ra điểm thi của mình không ở trong giới hạn an toàn và ồ ạt sử dụng quyền rút, nộp hồ sơ, gây nên phản ứng dây chuyền, tạo sự căng thẳng trong những ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên. Những ưu điểm, thuận lợi của phương thức ĐKXT và thay đổi ĐKXT tại các trường THPT và Sở GD-ĐT cũng không đến được với thí sinh và gia đình các em nên đã xảy ra hiện tượng một số thí sinh và người nhà thí sinh phải đến trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ để nộp và rút ĐKXT vì chưa tin tưởng vào việc thay đổi ĐKXT và ĐKXT lại tại địa phương, gây tốn kém, bức xúc trong dư luận.
Những hạn chế này Bộ GD-ĐT đã rút kinh nghiệm trong các đợt xét tuyển sau, ví dụ điều chỉnh thời gian ĐKXT trong mỗi đợt chỉ còn 10 ngày, không thay đổi ĐKXT để chuyển sang trường khác hoặc thay đổi nguyện vọng trong trường đã đăng ký; điều chỉnh phương thức nộp ĐKXT bằng cách điền mã vạch của Giấy chứng nhận kết quả thi và địa chỉ liên hệ vào phiếu ĐKXT, gửi phiếu ĐKXT bằng cách chọn phương thức thuận tiện nhất, không cần dùng hồ sơ ĐKXT. Bộ GD-ĐT đã tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông để giúp thí sinh có thông tin kịp thời cho việc ĐKXT, thay đổi nguyện vọng, khuyến khích sử dụng phương thức ĐKXT gián tiếp; chỉ đạo Sở GD-ĐT giúp thí sinh, đặc biệt là những thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong việc cập nhật thông tin ĐKXT của các trường ĐH, CĐ, tiếp nhận và gửi thông tin thay đổi nguyện vọng ĐKXT của thí sinh đến các trường CĐ, ĐH.
Những điểm mấu chốt cần thay đổi
Hạn chế lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 xuất phát từ quy định thí sinh được lựa chọn 4 nguyện vọng trong cùng một trường. Tình trạng học sinh và phụ huynh liên tục rút hồ sơ tại các trường gây ra một sự hỗn loạn, chỉ là một sai sót mang tính kỹ thuật, nó không thuộc về bản chất. Điều không hợp lý ở quy định này là đã đặt mục tiêu đỗ đại học lên trên sự đam mê, năng khiếu nghề nghiệp..., những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Đại diện nhiều trường lo ngại nếu TS không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích nhất đến khi theo học không có đủ đam mê và năng lực, sẽ bỏ ngang, lãng phí thời gian, công sức của cả người học lẫn nhà trường. Bởi vậy, nên quy định thí sinh được phép 2 nguyện vọng theo ngành học vào 2 trường ĐH ở các phân tầng khác nhau. Những bất cập về mặt kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung... không phải là khó giải khi "đề bài" được ra hợp lý.
Đề thi cũng cần phải điều chỉnh để phân loại thí sinh hơn nữa. Năm 2015, theo các giáo viên đánh giá, có đến 60% câu hỏi của đề thi dành cho mục tiêu tốt nghiệp, 40% là câu hỏi khó để phân loại. Tỷ lệ này cần phải thay đổi để tăng chất lượng đầu vào. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong điều kiện kỳ thi mang hai mục đích, để bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp, Bộ có thể điều chỉnh điều kiện để đỗ tốt nghiệp.
Việc công bố số liệu tỷ lệ tốt nghiệp theo địa phương, thậm chí theo trường và điểm thi của toàn bộ thí sinh là việc mà dư luận mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi trong kỳ thi năm tới. Bởi đây là cách để xã hội giám sát, nếu có những bất thường thì dư luận sẽ lên tiếng, thanh tra sẽ vào cuộc để hiện tượng xuê xoa, dễ dãi, bệnh thành tích, thậm chí tiêu cực... dần bị đẩy lùi.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường công tác truyền thông, trong đó vai trò quan trọng là của các trường phổ thông cũng sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của phương án thi "2 trong 1" với điểm đổi mới quan trọng là thi trước, xét tuyển sau.
Đổi mới thi cử là một việc làm tác động lớn đến toàn xã hội, đặc biệt là với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bài học kinh nghiệp của năm 2015 sẽ giúp ngành GD-ĐT có những điều chỉnh một cách tổng thể, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi năm sau và các năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.