(HNM) - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội xác định, công tác mặt trận không thể tách rời nhân dân. Cũng bởi hướng về cơ sở mà vị thế, vai trò của mặt trận ngày càng được khẳng định, đồng thời xuất hiện nhiều gương cán bộ mặt trận tiêu biểu.
Cán bộ MTTQ phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) phối hợp giám sát công tác an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Kiên trì, bền bỉ
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ là thách thức không nhỏ với thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (huyện Mê Linh). Trước tình hình đó, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trần Văn Cừ đề xuất với lãnh đạo thôn để cán bộ mặt trận đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Ông Trần Văn Cừ chia sẻ: “Chúng tôi xác định, việc tuyên truyền, vận động không thể nóng vội, phải làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên”. Bốn năm kiên trì, bền bỉ, thành quả mang lại là việc tang trong thôn đã được tổ chức theo nếp sống văn minh, không còn hủ tục lạc hậu.
Trong khi đó, với kinh nghiệm 13 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông Vương Xuân Nội, thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên (Thạch Thất) đúc rút: Yếu tố làm nên thành công là phải bàn bạc dân chủ, thấu tình đạt lý, cán bộ mặt trận phải làm cho dân tin. Ngày đầu thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, ông bàn với gia đình hiến 25m2 đất để mở rộng đường, đi đầu thực hiện các cuộc vận động ủng hộ, đóng góp. Sự gương mẫu của ông và các đảng viên dần dần thuyết phục được nhân dân làm theo. Và kết quả đạt được ngoài sự mong đợi, nhân dân thôn Yên Mỹ đã hiến gần 2.000m2 đất, đóng góp hơn 2 tỷ đồng, hơn 3.000 ngày công, làm 3,6km đường bê tông, 2,5km đường cấp phối. Trước hiện tượng mất an ninh trật tự, ông tham mưu cho chi ủy và trưởng thôn tổ chức họp dân, quyết định thành lập 6 đội tự quản của 6 xóm giúp cho làng xóm bình yên trở lại.
Góp sức trên một mặt trận khác, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hữu Bằng (Thạch Thất) Nguyễn Văn Thịnh cho biết, khi có công trình xây dựng trên địa bàn, hằng ngày các thành viên thay nhau giám sát để nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị thi công, kịp thời phát hiện những thiếu sót. Với cách làm này, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hữu Bằng đã phát hiện nhà thầu sử dụng gỗ tươi để làm 10 bộ cửa tại công trình xây dựng trường mầm non xã, từ đó yêu cầu phải thay cửa gỗ bảo đảm chất lượng. Ông Bùi Tiến Sơn, Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Tiến Xuân (Thạch Thất) chia sẻ: “Chúng tôi có mặt 24/24 giờ tại công trình và phát hiện 5.000 viên gạch non không đúng chủng loại nên kiên quyết không cho đưa vào sử dụng”. Tại phường Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện việc san lấp nền công trình nhà tập thể thao đa năng có nhiều tạp chất, đã đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện đúng thiết kế. Tại xã Đường Lâm (Sơn Tây), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của xã kịp thời phát hiện, nhà thầu dùng ngói không đạt chất lượng… và yêu cầu chấn chỉnh, để công trình bảo đảm chất lượng.
Tâm huyết, nhiệt tình
Trong 11 tháng qua, Ban Thanh tra nhân dân các địa phương đã thanh tra 6.885 vụ việc, phát hiện 2.193 vụ có dấu hiệu vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý 2.113 vụ, trong đó có 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã xem xét, giải quyết 1.985 vụ việc (đạt 93,94%). Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 3.462 công trình, dự án; phát hiện 267 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý 243 vụ, kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 11.132m2 đất...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: “Mỗi cán bộ mặt trận cơ sở dù có phương thức, cách làm riêng, phù hợp với đặc thù nơi cư trú nhưng đều thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác mặt trận. Nhờ đội ngũ này mà các cuộc vận động, phong trào của mặt trận được đẩy mạnh, đi vào lòng dân và mang lại hiệu quả thiết thực”. Cán bộ mặt trận cơ sở chủ yếu là người cao tuổi. Họ không chỉ đi đầu trong việc tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần với nhân dân mà còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vận động người dân thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nhiều phong trào khác.
Gắn bó nhất với từng tổ dân phố, khu dân cư, từng số phận con người, cán bộ mặt trận cơ sở được ví như những chiếc “ăng ten” vạn năng luôn lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, số phận của mỗi con người trong mọi ngóc ngách đời sống đến các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành. Mặc dù chế độ phụ cấp còn thấp (với Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là 500.000 đồng/tháng; các thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng không có phụ cấp), song bằng kinh nghiệm sống và sự tâm huyết, nhiệt tình, những cán bộ mặt trận cơ sở vẫn ngày ngày xung kích đảm nhận việc khó, giúp mặt trận hiện thực hóa chức năng giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mang lại sự đổi thay cho khu dân cư cùng với quyết tâm xây dựng cho được nếp văn hóa người Thủ đô.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.