Góc nhìn

Nhân lên giá trị đại đoàn kết

Vân Thiêng 18/04/2024 - 06:26

Dù ở trong nước hay nước ngoài, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều cùng nhau hành hương hoặc hướng về Đất Tổ, thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ cội nguồn, tri ân tổ tiên, siết chặt tinh thần đoàn kết vì một tương lai rạng rỡ của dòng giống Tiên Rồng.

Hành hương về miền Đất Tổ hôm nay, xuyên qua man mác khói mây huyền thoại, chúng ta như thấy hiển hiện đâu đây hình ảnh các Vua Hùng cùng muôn dân cày ruộng, đi săn. Trong lớp lớp đàn chim Lạc sải cánh bay về quần tụ trên mặt trống đồng, lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng nối đời dựng nên Nhà nước Văn Lang của người Việt cổ.

Một nước Văn Lang có nền văn minh lúa nước và văn minh sông Hồng rực rỡ, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đậm đà. Mỗi tấc đất, ngọn cây dưới chân Nghĩa Lĩnh; mỗi bậc đá thềm mây trên Đền Trung, Đền Thượng từ bao đời nay đã thấm đẫm huyền thoại về đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Trải bao biến thiên của lịch sử, sức mạnh Việt Nam được đắp xây bằng những dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Một trong những giá trị đó là tinh thần cố kết cộng đồng. 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông này, dù Kinh hay Thượng, dù miền ngược hay miền xuôi, đều con cùng một mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung một ngày Giỗ Tổ. Tìm về với non thiêng Nghĩa Lĩnh trong những ngày tháng Ba âm lịch hằng năm là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân - yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của cả dân tộc hôm qua, hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

Hai chữ “đồng bào” vì thế mà trở thành giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng.

Thực tiễn chứng minh, lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến thắng của tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, triệu người như một. Từ những triều đại quân chủ lẫy lừng chiến công phá Tống, bình Chiêm, kháng Nguyên, trừ Minh, đạp Thanh… đến thời đại Hồ Chí Minh - thời đại cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy” làm chủ đất nước, làm chủ đời mình. Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến cuộc trường kỳ “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”; hơn 20 năm gian khổ hy sinh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dù ở đâu, lúc nào, lịch sử có gặp phải những khúc quanh éo le nhất, cũng được hóa giải thành công bằng trí tuệ, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Chả thế mà trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước lúc về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc đến 2 từ “đoàn kết”. Đó không chỉ là sự đồng cảm của những bậc thiên tài mà còn là sự minh triết về cội nguồn, là tâm nguyện về sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc. Sức mạnh Việt Nam vì thế, còn là sức mạnh của truyền thống trung nghĩa, nhân hòa, vị tha từ ngàn đời cha ông truyền lại.

Từ đoàn kết, đến đại đoàn kết toàn dân, rồi đại đoàn kết toàn dân tộc là quá trình đổi mới và phát triển quan trọng về tư duy nhận thức và lý luận đối với chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta, theo hướng ngày càng mở rộng về biên độ, nâng cao về tầm mức và linh hoạt hơn về phương cách chinh phục lòng dân.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối đúng đắn của Đảng ta, trong đó có đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất mà còn là bài học về ý chí, hành động triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng. Đó là tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định.

Vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, Đảng ta đã không ngừng nhân lên giá trị của bài học đoàn kết toàn dân tộc, biến sức mạnh đoàn kết thành nguồn lực mạnh mẽ như biển dâng sóng trào, cuốn phăng bao trở ngại, tiếp tục gặt hái thành công trên đường phát triển.

Ngày Giỗ Tổ, dâng nén tâm hương tri ân “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, mỗi người dân đất Việt biết mình phải sống tốt hơn, đoàn kết quanh Đảng để “là tai”, “là mắt”, chung tay vì cuộc đấu tranh cho Đảng sạch, nước mạnh; Đảng phải triệt để tư tưởng lấy dân làm gốc, biết lấy việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng làm sinh mệnh sống còn; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng. Bởi chỉ có một Đảng trong sạch, vững mạnh thì dân mới tin, mới đoàn kết, ủng hộ, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên giá trị đại đoàn kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.