Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Kịch bản kiếm tiền từ… liệt sĩ

Nhóm phóng viên PSĐT| 02/11/2013 06:38

(HNM) - Dù không có chức năng trong việc quy tập hài cốt liệt sĩ, nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam vẫn

"Cậu Thủy" - Kẻ táng tận lương tâm

Như chúng tôi đã đề cập trong số báo trước, lật giở "hồ sơ" về thân nhân của "cậu Thủy", dư luận càng không thể không đặt nghi vấn về những dấu vấn đề liên quan giữa NHCSXH và nhà ngoại cảm "rởm" này. Trên thực tế, "cậu Thủy" tên thật là Nguyễn Thanh Thúy (sinh năm 1959), quê tại thôn Ân Phú, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1996, Thúy và vợ là Mẫn Thị Duyên bị bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và sử dụng vũ khí quân dụng. Ra tù năm 2005, vợ chồng Thúy khuếch trương có khả năng "thấu thị", nhận tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ với danh xưng "cậu Thủy". Với bản lí lịch "bất hảo" như vậy, nhưng bỏ qua hàng chục nhà ngoại cảm nổi tiếng, "cậu Thủy" được NHC SXH Việt Nam "chọn mặt gửi vàng".

Nguyễn Thanh Thúy tại lễ cất bốc hài cốt liệt sĩ ở xã Gio Mai.


Toàn bộ quy trình tìm kiếm hài cốt của "cậu Thủy" cho thấy dấu hiệu bất thường về một "kịch bản" được lặp đi lặp lại. Việc cất bốc bao giờ cũng được "cậu Thủy" trực tiếp giám sát, chỉ đạo với một lực lượng riêng, mặc đồng phục áo xanh. Hầu hết cuộc cất bốc một liệt sĩ được tiến hành vào lúc tranh tối tranh sáng và thường kết thúc vào lúc rạng sáng. Để tạo niềm tin, "nhà ngoại cảm" cho đặt hàng loạt máy quay phim, thậm chí dựng màn hình lớn để "truyền hình trực tiếp" toàn bộ quá trình cất bốc. Trước khi tiến hành việc cất bốc, "cậu Thủy" tổ chức lễ cầu siêu cho vong linh các "liệt sĩ", gọi hồn liệt sĩ nhập vào một người phụ nữ được chọn trước. Trong cả ba lần khai quật mộ liệt sĩ tại Đắc Lắc và Quảng Trị, "cậu Thủy" đều làm "cho" hồn các "liệt sĩ" nhập vào người phụ nữ này. Thông thường, việc cất bốc được một nhóm người thực hiện rất dễ dàng, chỉ cần đào sâu khoảng 60-70cm là phát hiện di vật, hài cốt liệt sĩ. Điều đáng nói, trong tất cả 4 cuộc khai quật, nơi nào "cậu Thủy" cũng phát hiện những chiếc bình tông đựng nước, trên bình tông có khắc tên, địa chỉ của các liệt sĩ rõ ràng với nét khắc mới nguyên và giống hệt nhau. Cùng với đó là những đôi dép đúc còn mới tinh đế chưa mòn, những huy hiệu ngôi sao vẫn giữ nguyên màu đỏ…

Không từ thủ đoạn nào, "cậu Thủy" trắng trợn bịa ra cả hiện trường nơi các liệt sĩ hy sinh. Từ ngày 28 đến 30-12-2012, tại thôn 1, xã Ea H'Leo, cạnh quốc lộ 14, "cậu Thủy" đã dùng phương pháp áp vong nhập hồn để tìm kiếm hài cốt, sau đó cùng nhân viên NHCSXH tổ chức khai quật 10 điểm. Đợt khai quật này đã quy tập được 31 bộ hài cốt và một số di vật gồm bình tông, dép cao su, huy hiệu... Tương tự, trong đợt quy tập vào tháng 9-2013, "nhà ngoại cảm" tiếp tục tìm được 42 bộ hài cốt liệt sĩ. Kết thúc hai đợt quy tập, 73 bộ hài cốt được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc để an táng nhưng không giám định ADN theo quy định. Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Thái Tương - Trưởng ban Chính sách Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, trong tất cả tư liệu lịch sử bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên của Quân đoàn 3 giai đoạn 1964 - 2000, không có bất kỳ thông tin nào về đơn vị cũng như những trận đánh tại khu vực cầu 110 - huyện Ea H'Leo. Trong hồ sơ liệt sĩ của mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 được lưu trữ tại Cục Chính trị cũng không có liệt sĩ nào hy sinh được mai táng tại khu vực cầu 110.

Có thể khẳng định, sở dĩ hành vi dựng hiện trường, dùng xương động vật để giả mạo hài cốt liệt sĩ của Nguyễn Thanh Thúy diễn ra trong một thời gian dài có sự "tiếp tay" của NHCSXH và sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nơi diễn ra việc cất bốc hài cốt liệt sĩ. Về phía NHCSXH, dư luận không thể không đặt ra nghi vấn: Vì sao một chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ với quy mô lớn, với nguồn quỹ không nhỏ, nhưng NHCSXH không phối hợp với lực lượng Quân đội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có được thông tin và cách làm chính thống mà lại chọn tiến hành việc tìm kiếm bằng phương pháp tâm linh? Mặt khác, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được quy định rất rõ ràng. Theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, vai trò tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc trách nhiệm của Quân đội. Các cơ quan, đoàn thể, cá nhân được phép tham gia cung cấp thông tin, nhưng không có vai trò quy tập. Như vậy, việc NHCSXH tự thuê "nhà ngoại cảm" để tổ chức rầm rộ nhiều đợt cất bốc hài cốt liệt sĩ là hoàn toàn trái quy định. Điều khó hiểu là vì lý do gì, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi "cậu Thủy" và NHCSXH tiến hành cất bốc hài cốt liệt sĩ không nắm được quy định này, dễ dàng "bỏ qua" cả việc giám định ADN để cho phép an táng ngay số "hài cốt liệt sĩ" tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh? Thực hiện trót lọt việc cất bốc hàng chục hài cốt liệt sĩ rởm, nhưng chỉ khi đến tỉnh Quảng Trị, toàn bộ quá trình cất bốc hài cốt liệt sĩ của "cậu Thủy" và NHCSXH mới bị lật tẩy?

Làm rõ hành vi lừa đảo

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (NC&UDTNCN) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 31-10 khẳng định "nhà tâm linh" hay "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy không có bất kỳ mối liên quan nào với Viện. "Chúng tôi chưa một lần tiếp cận người này để nghiên cứu, đánh giá nên không biết khả năng của họ đến đâu. Hiện tại, Việt Nam có hơn ba mươi nhà ngoại cảm đã được Viện nghiên cứu, khẳng định họ có những khả năng đặc biệt trong việc giúp tìm mộ và hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm chỉ mang tính hỗ trợ, chưa có nhà ngoại cảm nào tìm đúng 100%, việc tìm mộ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Cho dù là một nhà ngoại cảm chân chính, có khả năng thật sự thì việc lấy quá nhiều tiền để tìm hài cốt liệt sĩ là một việc làm đáng phê phán". - ông Nguyễn Phúc Giác Hải nhấn mạnh.

Nói về quy trình tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm, một cán bộ văn phòng của Viện NC&UDTNCN cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ gia đình thân nhân liệt sĩ, cán bộ của Viện sẽ giới thiệu họ đến một trong số các nhà ngoại cảm có uy tín. Nhà ngoại cảm sau khi tiếp xúc với thân nhân, thu thập mọi thông tin về liệt sĩ như: Đơn vị, ngày tháng hy sinh, bằng khả năng đặc biệt, nhà ngoại cảm sẽ vẽ sơ đồ, hướng dẫn người thân tự đi tìm, rất ít trường hợp nhà ngoại cảm cùng đi. Để bảo đảm tính chính xác, mỗi trường hợp thường cần đến 2-3 nhà ngoại cảm để kiểm tra chéo, vào mỗi thời điểm, địa điểm khác nhau, không bao giờ làm theo kiểu "một nhát ăn liền". Ngay cả khi đã tìm thấy hài cốt rồi, Viện cũng khuyên thân nhân liệt sĩ đưa đi xét nghiệm ADN để bảo đảm độ chính xác. Trong trường hợp hài cốt đã bị phân hủy, thân nhân có thể dựa vào các di vật còn lại để quyết định nhận hay không, đây là điều hết sức thận trọng.

Chiều 1-11-2013, đại tá Nguyễn Huỳnh Đường, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đang mở rộng điều tra, tập trung đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo, đồng thời làm rõ vai trò của đơn vị tài trợ (NHCSXHVN) cho "cậu Thủy" trong thời gian qua. Báo Hànộimới sẽ thông tin đến bạn đọc khi có kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc này.

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Dứt khoát phải giám định ADN…

Trong vụ việc này, lẽ ra NHCSXH phải cùng với địa phương cũng như cơ quan quân sự có trách nhiệm cùng thực hiện, xác minh. Khi Bộ LĐ-TB&XH thấy có dấu hiệu không ổn, đã yêu cầu đưa những hài cốt tìm thấy nhờ Viện pháp y Quân đội và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định ADN. Ngay thời điểm đó, các cơ quan này khẳng định những thứ giám định không có cơ sở kết luận là xương người, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra, sớm làm rõ bản chất vụ việc và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm trước pháp luật. Bộ cũng đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tất cả hài cốt liệt sĩ tìm được thông qua các "kênh" bên ngoài như bạn bè, chiến hữu của liệt sĩ… dứt khoát phải giám định ADN. Lúc có kết quả chính xác mới được tổ chức làm lễ truy điệu và đưa liệt sĩ vào nghĩa trang.

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH: Cần có hành lang pháp lý về ngoại cảm

Không ai nói ngoại cảm chính xác 100%. Nếu một nhà ngoại cảm chân chính, có lúc dự báo sai thì đó cũng là điều rất bình thường. Chỉ có điều, có những kẻ cố cường điệu khả năng để lừa đảo. Qua sự việc này, tôi cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ những người có khả năng ngoại cảm thực sự hình thành một tổ chức riêng, cùng giúp đỡ, giám sát và khuyến khích nhau hoạt động đúng pháp luật. Đồng thời, cần có quy định chặt chẽ về việc hành nghề ngoại cảm. Tuy nhiên, như tôi đã nói, kết quả ngoại cảm không chính xác 100%, vì vậy hãy giám định ADN để kiểm tra.

Hà Phong

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Kịch bản kiếm tiền từ… liệt sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.