(HNM) - Nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp thành phố Hà Nội có sự bứt phá vượt bậc trong 20 năm qua. Liên tục duy trì thứ hạng cao ở nhiều chỉ số, giao dịch hành chính nhanh chóng, tiện lợi đang tạo nền tảng vững chắc cho Thủ đô Hà Nội xây dựng “thành phố thông minh” trong kỷ nguyên số. Đồng thời, khẳng định vị thế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Bứt phá ngoạn mục
Một trong những tiêu chí của “Thành phố Vì hòa bình” - mà Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh - là cải thiện đời sống người dân. Thực tế trong 20 năm qua, Hà Nội ngày càng làm tốt vấn đề này. Bên cạnh việc chăm lo công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội; có một dấu ấn rõ nét là sự đổi thay về công tác cải cách hành chính của Thủ đô. Thành phố đã chuyển dần từ cơ chế "xin - cho" sang đẩy mạnh xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Là người có nhiều năm tham gia các đoàn kiểm tra công vụ liên ngành của thành phố Hà Nội về công tác cải cách hành chính, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương - nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - nhớ về 20 năm trước: “Năm 1999 (thời điểm Hà Nội được vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”) tôi đã công tác tại Sở Tư pháp được 9 năm. Khi đó, các quy định về từng thủ tục hành chính ở các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực tư pháp nói riêng đều chưa được công khai. Do đó, có thể khẳng định, kết quả đạt được ngày nay thực sự là sự bứt phá ngoạn mục”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai nhớ lại: “20 năm trước, các cơ quan hành chính chưa có bộ phận “một cửa”, cũng chẳng có kênh nào để tìm hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục hành chính nên người dân cần làm bất cứ thủ tục gì đều phải lên phường, sở, ngành hỏi trực tiếp. Khi đó công dân đến phường hỏi phòng này lại được chỉ sang phòng kia, rồi đợi chờ cả tuần mới được việc là chuyện... thường xuyên”.
Đến năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, công tác cải cách hành chính gặp khó khăn bội phần do còn khoảng cách lớn giữa hai địa bàn Hà Nội và Hà Tây. Ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn còn thiếu thốn trang thiết bị; trình độ cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin còn hạn chế…
Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đã thực hiện bài bản, sáng tạo các quy định về công tác cải cách hành chính. Cùng với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đã hoàn thành sắp xếp xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được trung ương và dư luận đánh giá cao.
Một kết quả nổi bật nữa là Hà Nội đã “phủ sóng” bộ phận “một cửa” ở tất cả cơ quan hành chính nhà nước và liên tục tổ chức đoàn kiểm tra công vụ với cách thức đổi mới là kiểm tra đột xuất và tái kiểm tra. Qua đó, trong 10 năm trở lại đây, bộ phận “một cửa” dần hoạt động thực chất, hiệu quả chứ không làm hình thức, đối phó.
Những nỗ lực không ngừng của thành phố Hà Nội đã được ghi nhận bằng kết quả cao ở nhiều chỉ số: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tiếp hai năm (2017, 2018) đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017...
Xây dựng nền hành chính vì dân
Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động xây dựng nền hành chính vì dân, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, nền tảng chính quyền điện tử cơ bản đã được hình thành, nhận thức và ý thức của cán bộ, công chức cũng như người dân về ứng dụng công nghệ thông tin chuyển biến rõ rệt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai tại 584/584 xã, phường, thị trấn. Thành phố cũng đã triển khai hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của thành phố.
Tính đến tháng 6-2019, số thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn thành phố là 1.120 thủ tục (trong đó có 978 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 142 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Tỷ lệ công dân tự nộp hồ sơ trực tuyến ngày càng cao, tại một số địa phương đã lên tới 70%. Riêng lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thành phố đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký qua mạng.
Cuối năm 2018, trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kiểm tra ở bộ phận “một cửa” của UBND quận Hoàn Kiếm có hồ sơ xin cấp phép xây dựng được trả kết quả trước hạn 7 ngày. “Đó là minh chứng rõ ràng nhất về việc cải cách, tạo môi trường thông thoáng”, đồng chí Mai Tiến Dũng khẳng định. Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gửi lời khen của Thủ tướng Chính phủ tới hệ thống chính quyền toàn thành phố Hà Nội. Cụ thể là Hà Nội đã thực hiện rất tốt 9 lĩnh vực, trong đó, đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin...
Chưa bằng lòng với kết quả đó, thành phố Hà Nội vẫn đang phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra: Đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đạt yêu cầu hiện đại… Đó chính là sự quyết tâm của thành phố trong việc cải thiện đời sống nhân dân bằng sự phục vụ tận tình, chu đáo, xây dựng nền hành chính vì nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.