Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc tay chân miệng

TS.BS Đỗ Thiện Hải| 03/07/2022 05:12

(HNMCT) - Hỏi: Con tôi mắc tay chân miệng tuy ở thể nhẹ nhưng cháu vẫn bị mệt, sốt, biếng ăn. Gia đình rất lo vì sợ cháu không ăn uống được, không đảm bảo dinh dưỡng. Xin hỏi bác sĩ, trẻ bị tay chân miệng nên bổ sung dinh dưỡng, ăn uống như thế nào? Nguyễn Thu Quỳnh (quận Đống Đa, Hà Nội)

Đáp: Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng sẽ gây đau khi ăn dẫn đến ăn kém, bỏ ăn, có nguy cơ hạ đường máu. Trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh, tạo ra các vết loét gây đau rát nên trẻ khó ăn uống. Vì vậy, cần cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như súp, cháo loãng, sữa... Các món cháo, súp chứa nhiều nước giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do trẻ sốt. Cháo, súp cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu, giúp dạ dày không phải làm việc nhiều, hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh tiêu hóa.

Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại cháo, súp như cháo thịt, cháo trứng, cháo sườn, cháo tôm, súp gà, súp tôm... hoặc thay thế bằng cách uống sữa, ăn bún, miến, phở kết hợp với các loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, khoai tây, nước rau củ... để cung cấp protein, calo, vitamin, khoáng chất.

Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết giúp cải thiện triệu chứng bệnh và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi khi trẻ bị ốm. Nên cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn. Các bữa nên cách nhau khoảng 3 giờ.

Để giúp dịu họng, giảm đau do vết loét, ngoài việc cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 3 - 4 lần mỗi ngày thì cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước. Ngoài uống nước lọc, nên uống thêm nước trái cây, nước dừa tươi, sữa...

Trong chế độ ăn của trẻ bị tay chân miệng, nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục.

TS.BS Đỗ Thiện Hải
Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc tay chân miệng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.