(HNM) - Để tránh nguy cơ rơi vào cuộc đại suy thoái tương tự như năm 2001, Quốc hội của Argentina vừa thông qua Luật Tình trạng khẩn cấp về kinh tế, gồm các quy định có thể triển khai tái cơ cấu nhiều lĩnh vực như năng lượng, tài chính… Đây được xem là “chiến thắng” đầu tiên của tân Tổng thống Alberto Fernandez tại Quốc hội kể từ khi nhậm chức ngày 10-12 vừa qua.
Theo Tổng thống A.Fernandez, ưu tiên trước mắt của Chính phủ mới là triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài gần 2 năm qua. Văn bản luật mang tính bao trùm này được cho là mấu chốt để giải quyết tình trạng mất cân bằng ngân sách và nợ công. Theo đó, luật mới sẽ thiết lập một loại thuế ở mức 30% đối với các hoạt động mua ngoại tệ để tiết kiệm, mua vé máy bay, các gói du lịch ngoại quốc cũng như những chi phí sử dụng thẻ tín dụng ở nước ngoài.
Ngoài ra, luật cũng cho phép cơ quan hành pháp tăng thuế xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đậu tương, mặt hàng chiến lược của Argentina có thể tới 33%. Liên quan đến khoản nợ mà Argentina dự kiến sẽ đàm phán lại với các chủ nợ, luật mới tạo cơ chế để Chính phủ phát hành trái phiếu lên tới 10 năm có tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD và sử dụng nguồn thu ngoại tệ từ quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương để thanh toán các khoản nợ.
Chính phủ sẽ “đóng băng” 180 ngày giá các loại dịch vụ cơ bản như điện và khí đốt để có thể xem xét, thảo luận về một bảng giá mới toàn diện, đồng thời cho phép cơ quan hành pháp thiết lập một kế hoạch tăng lương bắt buộc đối với khu vực kinh tế tư nhân. Luật cũng quy định việc tài trợ kế hoạch cung cấp thẻ thực phẩm miễn phí cho hơn 2 triệu người nghèo tại đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tồi tệ nhất trong 18 năm.
Từ đầu năm đến nay, giới chuyên gia đã liên tục đưa ra những dự báo bi quan về nền kinh tế Argentina. Theo kết quả cuộc thăm dò hằng tháng mới được công bố, lạm phát của nước này có thể lên mức 54,9% trong năm nay. Sự yếu đi của đồng peso - đồng tiền đã giảm khoảng 50% giá trị so với đồng USD trong năm 2018 - được cho là sẽ dẫn đến việc giá tiêu dùng tăng trong những tháng tới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina cũng sẽ “bốc hơi” 3,1%.
Mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s cảnh báo điều kiện tài chính của phần lớn các nước Mỹ Latinh sẽ suy giảm vào năm 2020, trong đó đặc biệt lưu ý nền kinh tế Argentina đang trong thời điểm dễ bị tác động mạnh do những bất ổn liên quan đến chính sách kinh tế.
Sự lo lắng đó đã được tân Tổng thống A.Fernandez thừa nhận khi cho rằng “bóng ma” vỡ nợ năm 2001 đang trở lại. Sự kiện này vốn được xem là thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ khi Buenos Aires không có khả năng thanh toán 100 tỷ USD.
Liên quan đến sự cố hiện tại, nhiều người cho rằng cựu Tổng thống Mauricio Macri phải chịu trách nhiệm vì đã đẩy nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ chìm trong giảm phát và lạm phát kể từ khi lên nắm quyền năm 2016. Nợ nước ngoài của Argentina hiện vào khoảng 330 tỷ USD, chiếm 90% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông M.Macri, con số này là 20% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã lên tới 10,5%...
Tình trạng này buộc Tổng thống A.Fernandez phải đơn phương hoãn thanh toán khoản nợ khoảng 9 tỷ USD tới tháng 8-2020. Nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm như Fitch và S&P cho rằng, Argentina thực chất đang vỡ nợ một phần.
Trong bối cảnh như vậy, Luật Tình trạng khẩn cấp về kinh tế được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý giúp Chính phủ Argentina điều hành nền kinh tế trở lại quỹ đạo ổn định và dần đẩy lùi “bóng ma” khủng hoảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.