(HNM) - Trước đây, để sửa chữa điện, dù là sự cố nhỏ nhất cũng phải cắt điện mới có thể triển khai. Vậy nhưng, hiện nay nhờ công nghệ hiện đại hay còn gọi là “sửa chữa điện hotline”, người thợ có thể sửa trên đường dây có điện, giúp giảm tối đa thời gian mất điện.
Đội sửa chữa điện “hotline” đấu nối Trạm biến áp Kim Quan 7 (huyện Thạch Thất). |
Đầu tháng 10-2018, ngành Điện Hà Nội tiến hành đấu nối Trạm biến áp Kim Quan 7 vào lưới điện. Quan sát thao tác những người thợ điện đang thi công trên cột điện cao thế, bà Nguyễn Thị Mùi, 65 tuổi, ở thôn 8 xã Kim Quan, huyện Thạch Thất không khỏi ngạc nhiên. “Khi thấy các anh chị ngành Điện cùng xe thiết bị về đây để đấu nối trạm biến áp, chúng tôi cứ nghĩ sẽ bị cắt điện cả ngày, hoặc nhanh thì nửa ngày. Vậy nhưng, ở thôn không thông báo cắt điện, khi các anh công nhân tiến hành sửa chữa, các hộ vẫn có điện bình thường. Nhìn những tốp thợ điện thực hiện sửa chữa trên đường dây đang mang điện 22kV, không chỉ tôi mà nhiều người dân cũng thấy lạ” - bà Mùi chia sẻ.
Cũng theo bà Mùi, ở xã Kim Quan có nghề làm mộc. Những năm gần đây các xưởng sản xuất bàn ghế gỗ đã phát triển mạnh. Trong xã, các dây chuyền cắt xẻ, tiện, đục gỗ hoạt động hết công suất. Việc sửa chữa áp dụng công nghệ của ngành Điện nhờ đó không ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt của các hộ gia đình.
Anh Đỗ Hồng Thắng, Đội trưởng Đội Sửa chữa điện nóng, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội cho biết, việc đấu nối Trạm biến áp Kim Quan 7 vào lưới điện được Công ty thực hiện theo phương pháp “sửa chữa điện hotline”, tức là sửa chữa trên đường dây đang mang điện. Đây là công nghệ tiên tiến được sử dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, phương pháp này hiện chỉ áp dụng với đường dây 22kV. Vì điện áp nếu cao quá thì các trang thiết bị cồng kềnh, khó trong thao tác thi công; còn với đường dây có điện áp thấp thì khoảng cách tiếp đất không đủ bảo đảm an toàn để tiến hành.
Ưu điểm nổi bật của công nghệ "sửa chữa điện nóng" là trong quá trình sửa chữa sẽ không mất điện phụ tải, các hộ dân và các khu công nghiệp vẫn có thể sinh hoạt, sản xuất bình thường. Trong khi đó, đội ngũ thợ sửa điện có thể sửa chữa đường dây, thay thế thiết bị trên đường dây mang điện. Phương pháp này cũng giúp tiết kiệm thời gian. Trước đây, khi nhận được thông báo có sự cố, công nhân ngành Điện phải kiểm tra, làm thủ tục cắt điện mới được tiến hành, sau khi sửa cần thông báo đóng điện, thì nay hỏng đâu sửa đấy, thao tác nhanh chóng, kịp thời. Lộ trình giải quyết sự cố chỉ mất 3-4 tiếng, thậm chí nhanh hơn.
Khi có sự cố bất thường, các đơn vị quản lý vận hành sẽ gửi đăng ký thông tin đến đường dây office nội bộ để đội xử lý. Đội sẽ nhận được thông tin và lập kế hoạch chủ động thực hiện. Công việc đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp với điện áp cao, do đó công nhân được trang bị những thiết bị tuyệt đối an toàn như xe gầu cách điện, găng cao su, vai áo cao su… Đồng thời, phải nắm được các kiến thức và thuần thục các kỹ năng, thao tác trong bảo quản phương tiện, dụng cụ và trong sửa chữa lưới điện bảo đảm hiệu quả, an toàn cao nhất.
Trong những năm gần đây, các công nghệ như sửa chữa điện hotline, vệ sinh cách điện hotline được Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội áp dụng rộng rãi và hiệu quả. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại sẽ góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện, không gây gián đoạn trong sản xuất và sinh hoạt, cũng như phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.