Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất: Thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc

Quỳnh Dương| 27/09/2022 06:50

(HNM) - Gần một tuần kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 6 tháng qua, thị trường chứng khoán thế giới vẫn chứng kiến sự rung lắc mạnh. Động thái của FED cũng đẩy đồng USD tăng giá trên các sàn giao dịch và gây sức ép lên các đồng tiền khác. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của không ít quốc gia.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc sau quyết định nâng lãi suất của FED.

Theo thông báo của FED, ngoài mức tăng 0,75% điểm vừa công bố, cơ quan này sẽ tiếp tục xem xét mức tăng thêm 0,75% và 0,5% lên mức 4,4% tại hai cuộc họp còn lại từ nay tới cuối năm. Kế hoạch giảm lãi suất sẽ không được xem xét cho tới năm 2024.

Đúng với dự đoán, quyết định của FED trở thành lực hút mạnh mẽ dòng tiền từ thị trường đổ về ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Sự xoay chuyển của dòng tiền khiến thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp “đỏ lửa” trong những phiên giao dịch gần đây. Khép lại một tuần rung lắc, chỉ số sàn giao dịch Dow Jones giảm 486,27 điểm, tương đương 1,62%, xuống 29.590,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,72% xuống 3.693,23 điểm...

Sau quyết định tăng lãi suất của FED, ngân hàng quốc gia nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra động thái tương tự khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Tại châu Á, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất thêm 0,5% lên 4,25%. Với quyết định này, lãi suất cơ bản của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8-2019. Trong khi đó, đây là tháng thứ hai liên tiếp, Ngân hàng trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ, điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.

Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,75% lên mức 2,5%. Ngày 22-9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25% để kiểm soát lạm phát. Theo ông Ethan Harris, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng America Corp. (BofA), từ đầu năm tới nay, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất và 1/2 trong số đó nâng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần. Ảnh hưởng của đợt nâng lãi suất mới nhất có thể sẽ kéo dài hơn những lần trước.

Trong phiên giao dịch ngày 26-9, sàn giao dịch chứng khoán Nikkei (Nhật Bản) đã giảm 632,36 điểm, tương đương 2,33%. Chỉ số của Straits Times Index (Singapore) cũng giảm 33,65 điểm (1,04%). Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 140,92 điểm (1,97%). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các thị trường sẽ trải qua giai đoạn “đau đớn” vì các ngân hàng trung ương đang từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn đã được duy trì trong nhiều năm liền.

Điều đáng nói nữa là, việc thắt chặt kiểm soát tiền tệ có thể giúp giảm tốc độ lạm phát, song cũng kèm theo nguy cơ khiến nền kinh tế Mỹ cũng như nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Theo đánh giá của cựu chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Maurice Obstfeld, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng lãi suất sẽ gia tăng rủi ro cho các nền kinh tế bởi chính sách tiền tệ của các ngân hàng sẽ tác động lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền và “xuất khẩu lạm phát” ra nước ngoài.

Khảo sát của BofA cho thấy, các dự báo về tăng trưởng kinh tế của toàn cầu đang ở gần mức thấp kỷ lục. Kinh tế Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay, khi giá năng lượng tăng mạnh gây thiệt hại cho các nền kinh tế trong mùa đông...

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây thêm những trở ngại sau đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ giảm xuống khoảng 1% trong năm 2023. Tình hình hiện nay đang khiến “kịch bản” suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một đến gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất: Thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.