Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất: Các nền kinh tế yếu đối mặt khó khăn

Thùy Dương| 30/07/2022 07:14

(HNM) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiếp tục nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm trong nỗ lực “hạ nhiệt” lạm phát và tránh cho nền kinh tế số một thế giới nguy cơ suy thoái. Động thái này khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu thế giới quan ngại rằng các nền kinh tế yếu hơn có thể chịu khó khăn chồng chất với các khoản nợ của mình.

Cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell công bố tăng lãi suất được hiển thị tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), ngày 27-7.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định chính sách của FED đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Lãi suất mục này từng ở mức gần bằng 0 vào đầu năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ tư của FED trong vòng 4 tháng và là lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994. Các nhà phân tích nhận định, việc FED thông qua một đợt tăng lãi suất mạnh chắc chắn sẽ gây ra nhiều cuộc khủng hoảng và những thách thức ngày càng tăng đối với các nước đang phát triển cũng như những nước có nền kinh tế yếu.

Các nước đang phát triển đã phải đối mặt với khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng khi phải đưa ra nhiều khoản chi lớn cho nhiệm vụ chống lại đại dịch Covid-19 và ứng phó với giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tăng đột biến do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề đó. Đầu tiên, khi FED tăng lãi suất, dòng vốn quốc tế sẽ có xu hướng dịch chuyển về Mỹ, khiến cho nhu cầu đồng USD tăng và từ đó đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác. Đồng USD mạnh lên có nghĩa là nó có thể mua được nhiều ngoại tệ hơn trước và do đó phá giá các đồng tiền khác.

Thứ hai, lãi suất cao hơn của Mỹ có thể khiến các nước đang phát triển phải trả các khoản nợ quy đổi sang đồng USD cao hơn. Việc vay nợ đã tăng mạnh trước đại dịch Covid-19 và giờ là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy nợ toàn cầu lên mức cao mới. Các nước khi trả nợ bằng đồng USD lúc này sẽ phải trả nhiều hơn khi quy đổi từ đồng tiền của nước mình. Nhiều người cho rằng nợ toàn cầu hiện đang ở mức cao nguy hiểm và các quốc gia như Sri Lanka đang phải vật lộn với những khoản nợ chồng chất.

Chuyên gia Mark Weisbrot, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách Mỹ cho biết, từ đầu đại dịch đến nay, tỷ lệ nợ công ở các nước đang phát triển đã tăng từ 52% lên mức kỷ lục 67%. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật được công bố ngày 26-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tác động của tăng lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến có thể gây ra đối với những quốc gia nghèo: “Chi phí đi vay cao hơn, dòng vốn tín dụng giảm, đồng USD mạnh hơn và tăng trưởng yếu hơn sẽ càng khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng hơn”. Hiện tại, số người thiếu lương thực trên toàn thế giới đã tăng nhanh từ 135 triệu năm 2021 lên 276 triệu. Đây là một phần của tình trạng tài chính xấu đi ở hầu hết các nước. Ghana cũng bị ảnh hưởng vì động thái tăng lãi suất. Đây là một phần lý do khiến nước này phải tìm kiếm gói cứu trợ của IMF trong tháng này. Thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu Liliana Rojas-Suarez nhận định trên tờ Foreign Policy rằng, các quốc gia tiếp theo có thể là Argentina, El Salvador, Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.

FED tăng lãi suất không chỉ làm tăng chi phí vay đồng USD mà còn khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền trở lại Mỹ, rút bớt vốn đầu tư tại các nước nghèo hơn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, áp lực trả nợ quốc tế sẽ khiến các nước nghèo càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực mới. Tăng trưởng chậm lại trong khi lãi suất vay tăng cả quốc tế lẫn trong nước, mà nhu cầu chi tiêu và đầu tư vẫn lớn thì áp lực từ các khoản vay mới của các nền kinh tế yếu thật đáng quan ngại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất: Các nền kinh tế yếu đối mặt khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.