Theo dõi Báo Hànộimới trên

An sinh xã hội - Nhiều dấu ấn đặc biệt

Mai Hoa| 13/10/2022 06:38

(HNM) - Việc xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm. Đồng thời, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ này với nhiều dấu ấn đặc biệt.

Tư vấn tuyển dụng cho người khuyết tật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Những con số ấn tượng

Dấu ấn đặc biệt đầu tiên là việc rất nhiều chính sách đặc thù đã được Hà Nội triển khai hiệu quả; trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Trong năm 2021, thành phố đã hỗ trợ người gặp khó khăn bằng tiền mặt; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch; miễn, giảm học phí… với tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của thành phố lên đến 10.640,4 tỷ đồng và riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 6.527,9 tỷ đồng. Mới nhất, theo số liệu thống kê đến trung tuần tháng 9-2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng, với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên Phùng Thị Luyến cho biết: “Công ty được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội duyệt phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức ngay tại công ty, tập trung vào 2 nhóm nghề: Nấu ăn và đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Sau khóa học, người lao động góp phần vào nhiệm vụ mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của công ty”.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13-8-2021 của Thường trực HĐND thành phố, toàn thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ 297.140 người (thuộc 8 nhóm đối tượng) với số tiền 315,651 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến ngày 13-9-2022, thành phố đã hỗ trợ 420.279 lượt lao động với số tiền đã giải ngân là 220,402 tỷ đồng…

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, không chỉ thực hiện hiệu quả nhiều chính sách đặc thù, Hà Nội luôn chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được quan tâm, triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm, 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện... Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng nhanh và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội…

Xác định rõ nhiệm vụ

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, nhờ việc triển khai các chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội, việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trên địa bàn quận được thực hiện hiệu quả; tập trung nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám khẳng định, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được thành phố triển khai kịp thời đã tạo được hiệu ứng tích cực trong nhân dân, bảo đảm mục tiêu không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội, thành phố Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của thành phố. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững với những trụ cột cơ bản: Việc làm, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo và trợ giúp xã hội. Ngoài ra, thành phố thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin...

Hoàn thiện hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng đời sống nhân dân là mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực... từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ngang bằng với khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An sinh xã hội - Nhiều dấu ấn đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.