(HNMO) - Sáng 15-2 (giờ địa phương), Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi phóng thành công cùng lúc 104 vệ tinh vào quỹ đạo, vượt qua kỷ lục trước đó của Nga là 37 vệ tinh vào năm 2014.
Tên lửa đẩy mang 104 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Sriharikota nằm phía đông Ấn Độ. |
Toàn bộ 104 vệ tinh được phóng bằng 1 tên lửa đẩy duy nhất tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Sriharikota nằm phía đông Ấn Độ. Các nhà quan sát khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang dần khẳng định vị thế trên thị trường hàng không vũ trụ trị giá hàng tỷ đô la.
Tổng cộng 96 trong số 104 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo thuộc sở hữu của Mỹ. Những vệ tinh còn lại là đơn đặt hàng của Israel, Kazakhstan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thụy Sĩ và Hà Lan. Phần lớn các vệ tinh đều có khả năng thu thập hình ảnh Trái đất.
Theo Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), các vệ tinh thứ cấp thường có kích thước không quá lớn, bởi vậy chúng có thể được phóng lên đồng loạt chỉ bằng một tên lửa đẩy. Nhiệm vụ chính của các nhà khoa học là thiết lập hành trình để chúng không va vào nhau khi tách khỏi tên lửa đẩy và đi vào đúng quỹ đạo.
Lần phóng vệ tinh này cũng thể hiện chương trình chinh phục không gian đầy tham vọng của Ấn Độ. Chính phủ nước này đã tăng cường ngân sách cho các chương trình không gian trong năm 2017 và công bố kế hoạch gửi tàu vũ trụ lên sao Kim.
Trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã trở thành một trong những “nhà cung cấp dịch vụ” quan trọng trên thị trường hàng không vũ trụ khi phóng vệ tinh với mức chi phí chỉ bằng 60 - 70% so với các quốc gia khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.