(HNM) - Dịp Tết cổ truyền dân tộc năm nay, các đơn vị quân đội tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đi thăm, tặng quà gia đình, người có công với cách mạng.
Tết năm nay, mẹ con bà Ngô Thị Yến, vợ liệt sĩ Khuất Văn Bĩnh, Cụm 4, xã Phúc Hòa (Phúc Thọ) rất vui bởi ngôi nhà cấp bốn dột nát trước kia đã được thay thế bằng ngôi nhà tình nghĩa có diện tích hơn 70m2, một tầng, mái đổ trần bê tông, sàn nhà lát đá hoa. Nhà của mẹ con bà Yến được khánh thành vào dịp 22-12-2015, trị giá hơn 300 triệu đồng, trong đó Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ 70 triệu đồng, số tiền còn lại của gia đình và anh em họ hàng ủng hộ. Các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân địa phương giúp nhiều ngày công xây dựng và nhiều vật dụng sinh hoạt.
Chồng hy sinh tại mặt trận Tây Nam năm 1968 để lại cho bà Yến 3 con nhỏ. Mấy năm trước, người con trai duy nhất của bà qua đời vì bệnh nặng, cô con gái út bị thiểu năng trí tuệ nên cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Bà Ngô Thị Yến cho biết: "Cả nhà trông vào mấy sào ruộng nên ngôi nhà dột nát đã lâu mà không có tiền sửa. Được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và chính quyền địa phương, bà con họ hàng hỗ trợ tiền, ngày công giúp xây ngôi nhà mới, tôi rất mừng. Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng đã dành cho gia đình sự quan tâm đặc biệt này".
Mẹ con bà Ngô Thị Yến là một trong nhiều gia đình chính sách nhận được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng dành cho gia đình có công với cách mạng. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, cả nước hiện có 8,8 triệu người có công với cách mạng. Để thực hiện tốt truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chính sách hậu phương quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đối tượng chính sách và gia đình có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu là toàn quân đã triển khai chương trình xây tặng nhà tình nghĩa. Ngoài ra, các ngành chức năng đã tập trung giải quyết khối lượng lớn về tồn đọng sau chiến tranh như, báo tử liệt sĩ, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; giám định, cấp giấy chứng nhận thương binh; xác nhận bệnh binh; đề xuất thực hiện chế độ, chính sách cho quân nhân tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, chính sách đối với dân công hỏa tuyến.
Trong hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", Bộ Quốc phòng rất quan tâm giúp đỡ về vật chất cho các trung tâm điều dưỡng người có công và thương binh, bệnh binh nặng. Từ năm 2013 đến nay, Bộ đã hỗ trợ ô tô, trang thiết bị dùng chung, may quân phục tặng 33 trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công trên địa bàn cả nước, tổng giá trị gần 40 tỷ đồng. Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Thúy cho biết: Năm 2015, Bộ Quốc phòng đã tặng trung tâm xe cứu thương, máy giặt, điều hòa, bàn khám bệnh… tổng trị giá 1,27 tỷ đồng. Từ ngày được nhận các phương tiện và thiết bị mới này, việc chăm sóc người có công ở trung tâm đã cải thiện rất nhiều.
Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách bằng những việc cụ thể, phù hợp với từng đơn vị, thiết thực với từng gia đình được hỗ trợ. "Chúng tôi xác định, việc làm này là hành động thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm tri ân cũng như góp phần nâng cao chất lượng điều dưỡng thương bệnh binh, người có công" - Thiếu tướng Trần Văn Minh cho biết.
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc, hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội. Đồng thời, toàn quân sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc người có công với cách mạng; tiếp tục giải quyết việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh đang nuôi dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng người có công và vợ, con đẻ liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh...
Sự quan tâm, chăm lo của Bộ Quốc phòng và các địa phương là nguồn động viên to lớn đối với đối tượng chính sách, góp phần để gia đình người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm đẹp thêm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc..
Theo thống kê của Cục Chính sách, từ năm 2011 đến hết năm 2015, toàn quân đã xây dựng 6.411 nhà tình nghĩa, với mức hỗ trợ là 70 triệu đồng/nhà. Các đơn vị đang nhận phụng dưỡng 1.776 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với mức phụng dưỡng 500.000 đồng/người/tháng; đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, bố trí việc làm cho hơn 3.000 con thương binh, bệnh binh nặng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.