(HNM) - Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phần 7 "Về báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư" nhận định về một số khuyết điểm tồn tại có đoạn: Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra giám sát không chặt chẽ dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn… Một số hạn chế, khuyết điểm chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm…
Cũng trong phát biểu nêu trên, Tổng Bí thư thẳng thắn nêu rõ: "Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân, và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục".
Như vậy, có thể hiểu, trong thời gian tới, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng - tức là những cơ quan cao nhất của Đảng - sẽ nghiêm túc sửa chữa, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ ra cụ thể (thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình). Và như vậy, các cấp chính quyền, các bộ, ngành không thể không vào cuộc, không thể không sửa chữa những bất cập tồn tại.
Hiện 4 nhà máy xi măng là Đồng Bành, Cẩm Phả, Thái Nguyên và Hạ Long làm ăn thua lỗ kéo dài, số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, có đơn vị đã phải dừng hoạt động. Theo quy định của pháp luật, một dự án đầu tư chỉ được triển khai khi đã hoàn thành thẩm định và được đánh giá là khả thi. Vậy ai, đơn vị nào đã thẩm định, đánh giá những dự án nêu trên là khả thi? Liệu suất đầu tư để đánh giá hiệu quả đầu tư của những dự án trên (số vốn đầu tư/đơn vị công suất thiết kế) đã được tính toán chuẩn xác? Có hay không việc "cõng" vốn cho các khoản "bôi trơn", tiêu cực, lãng phí…? Chắc chắn những cá nhân, tập thể phải trả lời những câu hỏi trên đều có địa chỉ cụ thể. Và từ đó cũng rõ ra trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị nào chứ không thể cứ làm ăn thua lỗ là lại đẩy gánh nặng cho ngân sách nhà nước "giải quyết hậu quả".
Ngày 16-10 vừa rồi, tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), khu vực cận lòng hồ Thủy điện Sông Tranh lại liên tục có động đất kích thích. Như mô tả của người dân thì cường độ phải trên 4 độ richter. Trong khi đó, theo các nhà khoa học thì rung chấn này cường độ chỉ là 3,5 độ richter. Người dân không tin vì tới giờ thiết bị kỹ thuật để đo đạc chưa được lắp đặt đầy đủ. Lại nữa, trước đây các nhà khoa học tính toán, động đất kích thích cùng lắm cũng chỉ có cường độ 3,5 độ richter, nhưng thực tế bây giờ động đất kích thích ngày càng xuất hiện với tần số cao và cường độ cũng ngày một lớn. Vậy mà cũng chả có ai lên tiếng hoặc giải trình điều đó. Tính toán cứ sai lệch mãi như vậy, nhỡ ra có chuyện gì, ai chịu trách nhiệm?
Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hiện nay đang được chuẩn bị thẩm định về tác động môi trường. Cứ như báo cáo của cơ quan chức năng được giao việc này thì "vô tư" xây dựng thủy điện. Nhưng các nhà khoa học lại không nghĩ thế, và họ đưa ra quan điểm dựa trên những lập luận, những con số rất cụ thể. Rồi nữa, bộ chủ quản còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng gần 140ha trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên thành đất để xây dựng thủy điện. Đó có phải là những vấn đề bất bình thường? Và giả sử một số báo cáo, quyết định của cơ quan chức năng là không chuẩn xác, không đúng luật thì ai phải chịu trách nhiệm?
Vậy nên, tất cả đều phải công khai, minh bạch. Và điều cần thiết đầu tiên là phải rõ ràng trách nhiệm. Đó cũng chính là cách thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.