Góc nhìn

Chữa bệnh “hình thức” trong kiểm điểm cuối năm

Đình Hiệp 19/10/2023 - 06:40

Kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là dịp để mỗi tập thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng đảng viên tự soi. Từ đó đề ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Thời gian qua, công tác quan trọng này luôn được các cấp ủy, đảng viên thực hiện nghiêm túc, với tinh thần, lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm tập thể...

Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cuối năm. Vì thế, vẫn xảy ra tình trạng thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, công tác chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân ở một số nơi còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số báo cáo kiểm điểm tập thể, cá nhân còn chung chung hoặc chủ yếu nêu thành tích, chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế.

Để khắc phục bệnh “hình thức” trên, ngày 4-10-2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 124-QĐ/TƯ về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định số 124-QĐ/TƯ nêu rõ, nội dung kiểm điểm đảng viên sẽ tập trung làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, yếu kém, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp cũng như thời gian khắc phục.

Đối với cá nhân là người đứng đầu, ngoài những nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, còn phải kiểm điểm rõ nhiều nội dung. Cụ thể là: Khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Để Quy định số 124-QĐ/TƯ thực sự phát huy hiệu quả, trước hết mỗi cấp ủy và bản thân từng đảng viên cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng hằng năm. Từ đó, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến nhận thức cho cán bộ, đảng viên, trên cơ sở thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để đánh giá đúng chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.

Cùng với đó, cần bám sát những điểm mới theo Quy định số 124-QĐ/TƯ để xây dựng kế hoạch kiểm điểm tập thể, cá nhân. Thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai, theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, đúng quy trình, nguyên tắc, quy định; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình; làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu về chức trách nhiệm vụ được giao.

Ngay sau kiểm điểm, xếp loại chất lượng đảng viên, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Và quan trọng hơn cả vẫn là thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc.

Có như vậy, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, đảng viên cuối năm mới thực sự nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chữa bệnh “hình thức” trong kiểm điểm cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.