Giao thông

Tạo đột phá trong đầu tư xây dựng giao thông đường bộ

Đình Hiệp - Tiến Thành 27/10/2023 17:40

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, chiều 27-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Các đại biểu nhất trí, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực giao thông đường bộ.

img-3480t1.jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 27-10.

Tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư

Theo Tờ trình tóm tắt Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án (có danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo).

anh-7.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần bỏ danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo trong Nghị quyết này. Bởi trên thực tế, tất cả dự án giao thông trọng điểm đều được hưởng cơ chế đầu tư PPP.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng lấy ví dụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, mặc dù đã triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết ban hành nhưng đương nhiên được hưởng chính sách mới của Nghị quyết này. Cùng với đó, các dự án đầu tư PPP cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương triển khai thực hiện - quyết định toàn diện để hạn chế việc xin ý kiến các bộ, ngành - đi kèm với đó là các hướng dẫn, quy định của pháp luật.

anh-1.jpg
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đinh Tiến Dũng, các đại biểu Vũ Thị Lưu Mai và Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án giao thông trọng điểm để thực hiện theo hình thức PPP; đồng thời, đề nghị Chính phủ bỏ danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo.

“Tất cả dự án giao thông trọng điểm phải được hưởng cơ chế đặc thù và theo hình thức PPP, chứ không phải không nằm trong phụ lục thì các địa phương lại đi xin. Bởi mục đích của chính sách này nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

anh-5.jpg
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, các dự án đầu tư công triển khai chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như thủ tục đầu tư. Trong bối cảnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, việc thông qua Nghị quyết là rất cần thiết.

anh-6.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Cho rằng, trên thực tế, có nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng lớn nên việc cố định tỷ lệ vốn Nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư là không hợp lý, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng ý với đề nghị tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để việc huy động vốn đầu tư cũng như giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh hơn. Cụ thể, phần bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà nước thực hiện và không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cả nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan cơ chế, chính sách. Thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực... là những trở ngại.

anh-3.jpg
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phát biểu.

Đại biểu cho rằng, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán sau thiết kế cơ sở đối với Tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia trong tổng thể dự án PPP vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm (đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô). Cùng với đó, cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP theo các quy định còn một số tồn tại. Việc giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án qua nhiều địa phương có một số nội dung cần được cập nhật, bổ sung.

anh-8.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết sẽ bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hiện đại; đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi. Việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên không quá 70% đã, đang được thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

anh-10.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Cần làm rõ điều khoản, luật nào đang tạo sự vướng mắc để nghiên cứu điều chỉnh(?).

anh-9.jpg
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm là các dự án phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định, đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định dự án có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông Vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án…

Đại biểu cho rằng quy định này sẽ rất rộng và chưa rõ ràng, chưa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong đầu tư xây dựng giao thông đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.