Xã hội

Hà Nội: Nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý an toàn thực phẩm

Bảo Vy 09/07/2025 10:40

Sáng 9-7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội, nhiều vấn đề đã được đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian tới…

thang2.jpg
Chủ tọa phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Vẫn chưa thể yên tâm về chất lượng thực phẩm

Theo Thường trực HĐND thành phố, trong những năm qua, công tác bảo đảm ATTP được thành phố đặc biệt chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. HĐND thành phố đã thường xuyên giám sát, khảo sát tại các địa bàn về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội không có vụ ngộ độc lớn xảy ra.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác ATTP. Thực tế, người dân Thủ đô vẫn chưa thể yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày. Mối lo đó từ nguồn gốc, quy trình sản xuất, cho đến lưu thông, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cũng rất lớn, khoảng hơn 80.000 cơ sở, nhưng sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Việc triển khai mạng lưới giết mổ tập trung theo Quyết định số 761 ngày 17-2-2020 của UBND thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thành phố đã phát triển được 7/8 cơ sở giết mổ công nghiệp theo phê duyệt được đầu tư, xây dựng (đạt 87,5% so với số lượng cơ sở được phê duyệt). Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 5 cơ sở giết mổ đang hoạt động giết mổ thường xuyên; vẫn còn 2 cơ sở giết mổ phải tạm dừng hoạt động.

Đối với việc phát triển cơ sở giết mổ tập trung, đã có 3/8 cơ sở giết mổ được đầu tư, xây dựng và đi vào sản xuất (đạt 37,5% số cơ sở được phê duyệt). Tuy nhiên, các cơ sở hiện đang hoạt động cầm chừng, công suất hoạt động đạt trung bình gần 40%. Tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp ra thị trường tiêu thụ chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

thang3.jpg
Các đại biểu dự phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Đặc biệt, dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh được triển khai và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, với quy mô xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khoảng 4,3ha. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm kể từ khi hoàn thành, công trình vẫn chưa được đưa vào vận hành. Hiệu quả đầu tư của dự án này đã được HĐND thành phố chất vấn, yêu cầu giải trình, xong tới nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi các cơ sở giết mổ tập trung chưa triển khai hoặc công suất chưa đạt thiết kế, thì vẫn tồn tại 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo ATTP.

Bên cạnh những hạn chế trên, hiện tại, nhiều làng nghề kinh doanh chế biến thực phẩm không bảo đảm quy trình, quá trình sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi và đặc biệt là nước, bã thải từ nhiều hộ làm nghề chế biến tinh bột chưa qua xử lý ở nhiều làng nghề thuộc khu vực huyện Hoài Đức (cũ) chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra sông Đáy. Nguồn nước cấp cho vùng nuôi trồng ngày càng bị ô nhiễm, nhất là nguồn nước cấp từ sông Đáy, sông Nhuệ lại là nguồn nước tưới cho nhiều vùng trồng rau trên địa bàn thành phố. Vòng luẩn quẩn ô nhiễm này đang đầu độc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất.

Chuyển cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý 7 vụ việc

Theo ghi nhận, sau 1 tháng thực hiện cao điểm Tháng hành động về ATTP năm 2025, 627 đoàn kiểm tra liên ngành cùng 12 đoàn chuyên môn và 610 đoàn kiểm tra các địa phương đã kiểm tra, giám sát gần 12.800 cơ sở. Đặc biệt, toàn thành phố đã phát hiện hơn 1.400 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 12 tỷ đồng. 54 cơ sở bị buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 5 tỷ đồng. 2 cơ sở bị đình chỉ. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án, 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. 7 vụ việc đã được chuyển cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

thang.jpg
Đại biểu HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, sử dụng nguyên liệu không có hoá đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố. Trong Tháng cao điểm về kiểm soát ATTP năm 2025, vụ triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn với khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả đã gây chấn động dư luận.

Cụ thể, tối 28-4-2025, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện hơn 10 tấn nội tạng bò đang có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi sau khi khám xét bất ngờ ba kho đông lạnh tại thôn Bái Đô, xã Đại Xuyên. Hơn 10 tấn nội tạng bò, bao gồm lòng, tim, dạ dày, sách trâu, bò đã bị thu giữ. Chủ số hàng khai nhận, nội tạng bò được thu mua trôi nổi trên thị trường, qua nhiều nguồn khác nhau. Do vậy, số nội tạng động vật này hoàn toàn không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt không được kiểm định chất lượng vệ sinh ATTP.

Vào đầu tháng 6-2025, tại bãi rác nằm trong khu công nghiệp La Phù, xã La Phù, nay là xã An Khánh, hàng tấn bánh kẹo cùng rác thải sinh hoạt bị đổ thành từng đống lớn, cao hàng mét, nằm sát tuyến đường dân sinh. Trời nắng thì mùi ôi thiu bốc lên, mưa xuống thì nước thải chảy lênh láng… Câu chuyện đặt ra là hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn luôn luôn hiện hữu, ngay giữa thủ phủ làng nghề làm bánh kẹo của Thủ đô.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong tổng số 457 chợ trên địa bàn Thủ đô, có 91 chợ kiên cố (chiếm 20%); 250 chợ bán kiên cố (chiếm 54,7%); 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,3%). Thành phố vẫn còn tồn tại và phát sinh 85 “chợ cóc”, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.

Ngay gần khu vực Ngã Tư Sở, một khu chợ tạm đang tồn tại, tràn ra cả lòng đường, buôn bán từ rau xanh, thịt cá, gia cầm… khó kiểm định chất lượng, ATTP…; đã nhiều lần, các lực lượng chức năng ra quân dẹp bỏ, nhưng "đâu lại vào đấy"…

Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến xây mới 55 chợ, cải tạo 97 chợ. Tuy nhiên hiện nay, tiến độ chung đang chậm so với kế hoạch. Hiện mới có 9 chợ hoàn thành, 9 chợ dự kiến hoàn thành trong năm 2025, chiếm tỷ lệ 32%; 41 chợ hoàn thành cải tạo, chiếm tỷ lệ 42%.

Trên thị trường đang bán nhiều loại hoa quả nhập ngoại, tràn từ siêu thị ra đến vỉa hè. Các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu "mọc lên như nấm", nằm san sát trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội, song tại không ít cửa hàng, khi được hỏi về các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của loại hoa quả nhập, nhân viên tại cửa hàng trả lời lòng vòng, không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có khoảng 3.600 bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, văn phòng. Hàng trăm nghìn người dân, từ học sinh, công nhân, đến nhân viên văn phòng đang “phụ thuộc” vào những bữa ăn mỗi ngày tại đây. Ngày 16-4 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ bếp ăn xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh, ATTP. Xét nghiệm nhanh khay inox đựng thức ăn cũng cho kết quả, 100% mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn.

Có thể thấy, Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP. Một lượng lớn thực phẩm nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu nên khó khăn trong công tác thống kê, rà soát và quản lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do nhiều cơ quan ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến không hiệu quả. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP còn mang tính hình thức. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP mỏng, nhiều cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kịp thời, công cụ phương tiện kiểm tra kiểm soát trong lĩnh vực này rất hạn chế…

Vì thế, thành phố rất cần một chiến dịch tổng lực từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh trong lĩnh vực ATTP, để bảo vệ thị trường tiêu dùng, và trên hết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đây không chỉ là vấn đề quản lý nhà nước, mà còn là vấn đề đạo đức, lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.