Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 6-11 trong nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc thu hút các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa nhiều, chưa hiệu quả.
Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) về vấn đề thu hút các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi Luật Đầu tư được ban hành quy định phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), việc thu hút các dự án chưa nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Về khách quan, lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.
Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, trong khi con số này ở các dự án không đồng đều nên có những bất lợi nhất định cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi còn chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra, còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vấn đề lớn quan ngại là giải phóng mặt bằng, các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu thực hiện việc triển khai dự án. Nhận diện được khó khăn này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để có giải pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ, như nâng tỷ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.
Đối với chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) về công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư các công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có 60 dự án được phê duyệt và đang triển khai. Về cơ bản, các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư (nếu có thì rất ít).
Tuy nhiên, có 3 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mĩ An - Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Nguyên nhân là thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng vào thời gian dịch bệnh năm 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa triệt để và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chậm triển khai các trạm dừng nghỉ. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc được thực hiện theo phương thức “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Trong khi đó, nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ thì sẽ mang lại hiệu quả. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư, thực hiện xã hội hóa.
“Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy, Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, tại dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ đã chỉ đạo tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư cho 9 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần của dự án giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.