Kinh tế

Lạm phát năm 2025 có thể ở mức 3,4-4,2%

Hương Thủy 09/07/2025 - 11:42

Dự báo này được chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025" do Cục Quản lý giá và Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 9-7.

Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản ở mức 3,16%.

ht.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.H

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng này vẫn theo xu hướng chung như những năm trước, giá cả tăng vào tháng Tết do nhu cầu mua sắm của người dân tăng, sau đó hoạt động mua bán, giá cả dần trở lại bình thường.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận trong nửa cuối năm nay, áp lực lạm phát được dự báo sẽ không lớn do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng-giảm đan xen.

Về các yếu tố khiến giá cả tăng, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND đã tăng tương đối mạnh. Ngoài ra, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa có thể gây sức ép lên giá cả thời gian tới.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí cũng tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng…

Tuy nhiên, nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát, như nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào; giá hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm. Từ năm học 2025-2026, học sinh từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc được miễn học phí…

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, CPI bình quân 2025 so với năm 2024 sẽ tăng 3,8%-4,2%.

Còn TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo, lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ xoay quanh mức 3,4%, nếu Nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và giáo dục…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đàm phán thuế đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ giúp Việt Nam tránh được rủi ro, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tận dụng tối đa cơ hội, Việt Nam cần chủ động chuyển đổi cấu trúc nền sản xuất, đẩy mạnh nội địa hóa và tăng cường tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đa dạng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy nội lực để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi chính sách từ bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát năm 2025 có thể ở mức 3,4-4,2%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.