(HNMO) - Chiều 2-7, ông Đỗ Như Khoa, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết, đã hoàn thiện các thủ tục và bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân ở xã Nam Sơn.
Trong ngày 1-7 và 2-7, một số người dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn và thôn 2, xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) tập trung căng bạt, chặn các tuyến đường, không cho xe ô tô chở rác thải từ trung tâm thành phố Hà Nội vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Trao đổi về việc này, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Đỗ Như Khoa cho biết nguyên nhân là một số người dân còn thắc mắc về mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hạn mức diện tích đất nằm trong phạm vi đền bù; tiến độ thực hiện đền bù đất và tài sản trên đất…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao huyện Sóc Sơn và các sở, ngành chức năng thực hiện trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn trong quý II-2019.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ tập trung cao độ lập hồ sơ, tích cực giải quyết.
Tuy nhiên, do cần có thời gian để xác minh, công khai phương án, giải quyết những vấn đề liên quan, nên đến ngày 19-6 và 1-7, UBND huyện Sóc Sơn mới ban hành các Quyết định số 2813/QĐ-UBND và 3164/QĐ-UBND, về việc phê duyệt tổng số 186 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn), địa phận các thôn Xuân Bảng, Liên Xuân và Đông Hạ của xã Nam Sơn (đợt 1 và đợt 2).
Đến ngày 2-7, huyện Sóc Sơn đã hoàn thiện các thủ tục liên quan và bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp, đào tạo chuyển đổi việc làm, cây cối, hoa màu… cho các hộ dân xã Nam Sơn với tổng số tiền hơn 182 tỷ đồng. Tính đến 17h30 ngày 2-7, đã có 121 hộ dân xã Nam Sơn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Cũng trong ngày 2-7, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục ban hành Quyết định số 3386/QĐ-UBND, về việc phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn), địa phận xã Hồng Kỳ (đợt 1). Theo đó, có 40 phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng...
Dự kiến, từ ngày 4-7, huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân xã Hồng Kỳ.
Như vậy, có thể thấy các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc giải quyết vụ việc. Việc một số người dân căng bạt, chặn các tuyến đường, không cho xe ô tô chở rác thải từ trung tâm thành phố Hà Nội vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là hành vi cần phải chấm dứt. Các hộ dân cần hợp tác chặt chẽ với chính quyền các cấp hoàn thiện thủ tục cần thiết để đẩy nhanh việc chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư thay vì cản trở các phương tiện chở rác, vừa ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, vừa vi phạm luật giao thông, ảnh hưởng tới công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường ở thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trung bình mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt. Những ngày qua, khá nhiều rác bị ùn ứ do người dân chặn đường không cho xe rác vào khu xử lý nên các xe chở rác phải quay trở về.
Trong thời gian này, Urenco đã bố trí phân luồng rác từ 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa chuyển về tập kết tại Nhà máy xử lý rác thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và yêu cầu các đơn vị lưu rác tạm thời tại các xe chở rác, điểm trung chuyển chờ xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.