(HNM) - Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt thấp, chưa như kỳ vọng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đã nhấn mạnh: Cần phải thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, tháo gỡ các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, ngành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, như ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… Song, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Bởi, cùng cơ chế, chính sách có địa phương làm tốt, có địa phương làm không tốt. Trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện chương trình, dự án cấp huyện đạt 19,9%, xấp xỉ tỷ lệ bình quân của cả nước (tính đến ngày 31-5), trong khi dự án cấp thành phố chỉ đạt 14,5%. Một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không bảo đảm tiến độ giải ngân, đồng thời cũng có dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh mục tiêu, hết năm 2022, tối thiểu phải đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 90%. Điều đó có nghĩa, khối lượng công việc trong 6 tháng cuối năm khá nặng nề. Để đạt mục tiêu đó, giải pháp chủ yếu đặt ra là tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Cá thể hóa trách nhiệm để xử lý theo quy định khi chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Cùng với đó, thành phố tăng cường chỉ đạo, giám sát đầu tư; rà soát để điều chỉnh việc phân giao thực hiện các dự án đầu tư công cấp thành phố theo đúng chức năng, nhiệm vụ các đơn vị; nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trong thực hiện các thủ tục đầu tư. 6 tổ công tác của thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công...
Bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách cấp thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2022, các cấp, ngành của thành phố sẽ phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm bố trí vốn, khởi công công trình; thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng để bảo đảm điều kiện cho các dự án tăng tốc thi công. Ước tính khoảng 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được phân bổ chi tiết sớm để giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2022; trong đó có cả dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững là các chương trình rất quan trọng của thành phố.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; không để dự án chậm trễ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu và cũng là trách nhiệm đối với các cấp, ngành của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.