Sáng 4-11, tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025, các đại biểu Quốc hội cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân chung là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt về cơ chế, chính sách đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này…
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, từ đó có giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Đại biểu Thi cũng cho biết, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm.
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%. Do vậy, “nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới…”, đại biểu Thi nói.
Đây cũng là vấn đề được đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đề cập: Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn chậm, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Do vậy, những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì vậy, Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm, kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư.
Đề xuất cụ thể giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Thắng nêu, cùng với việc chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh tế, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp theo đúng ý nghĩa, mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc tồn đọng ở hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở II tại Hà Nam để sớm đưa hai bệnh viện này đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
“Người dân đang rất kỳ vọng, mong chờ hiệu quả, thay đổi từ những dự án luật, chính sách mới mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang sửa đổi…”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) kiến nghị, Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trì liên kết phát triển khu vực; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại…
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng, như: Dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối quốc lộ 91C đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề chưa đề cập trong phiên thảo luận sáng nay. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời, giải đáp các vấn đề đại biểu quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.