Hà Nội kết nối

Gỡ nút thắt mặt bằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Lê 29/10/2024 - 18:42

Gần 50% vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh đang bị “ách tắc” trong khâu giải phóng mặt bằng. Thành phố quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn này để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt chỉ tiêu hơn 95%.

quoc-lo-50b.jpg
Dự án quốc lộ 50B còn tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: ĐT

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Dự án đường song hành quốc lộ 50 (quốc lộ 50B) đoạn qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chậm tiến độ do còn 8 hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng. Đồng thời, cũng gây trở ngại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án quốc lộ 50B yêu cầu mức giá bồi thường cao 3 đến 5 lần, có trường hợp cao tới hơn 10 lần mức mà thành phố đang thực hiện.

Còn tại dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất) có 85 trường hợp bị ảnh hưởng, khó khăn nhất vẫn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tính đến ngày 30-9, chỉ mới giải ngân được 21/394 tỷ đồng vốn đầu tư dự án (khoảng 5,3%).

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (dự án rạch Xuyên Tâm) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp được giao hơn 9.512 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024, thì có hơn 9.300 tỷ đồng chi trả cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại dự án này, có 2.215 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện 2 địa phương (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp) đang lấy ý kiến của các hộ dân để xây dựng phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, quyết định đến tiến độ toàn dự án cũng như bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Do vậy, chủ đầu tư dự án quốc lộ 50B đã chuẩn bị 10 nền đất để thực hiện tái định cư hoặc hoán đổi cho 8 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề xuất phương án giá bồi thường phù hợp với tình hình thực tế của 10 nền đất (từ 45-55 triệu đồng/m²).

khao-sat-du-an-quoc-lo-50b.jpg
Khảo sát dự án quốc lộ 50B, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu gỡ khó khăn mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Tùng Ngô

Phải giúp người dân hiểu rõ lợi ích

Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng dự án quốc lộ 50B mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, nếu tính theo bảng giá đất mới (sẽ có hiệu lực từ ngày 31-10), mức giá bồi thường theo quy định cho các trường hợp trên cũng chỉ khoảng 11-12 triệu đồng/m². Do đó, với mức giá bồi thường từ 44-55 triệu đồng/m² mà chủ đầu tư đưa ra cùng những khoản hỗ trợ khác thì người dân có lợi hơn so với mức giá bồi thường của nhà nước.

Trong khi đó, có những hộ dân diện tích đất bị ảnh hưởng không có giá trị kinh tế do không có hạ tầng. Khi dự án đi qua, giá trị đất tăng lên do có hạ tầng. Chính vì vậy, người dân chắc chắc sẽ hưởng lợi nếu phối hợp với chủ đầu tư bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ông Võ Văn Hoan cũng lưu ý chính quyền địa phương, chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan phải trực tiếp gặp gỡ các hộ dân, giải thích cho người dân hiểu rõ lợi ích trên cơ sở pháp lý và lợi ích khi có dự án đi qua để người dân đồng thuận giao mặt bằng.

Tại dự án rạch Xuyên Tâm, UBND quận Gò Vấp cho biết sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 30-11; còn UBND quận Bình Thạnh cho biết sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tháng 12-2024.

Theo hai địa phương này, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được xây dựng trên nguyên tắc có lợi cho người dân, đáp ứng các nguyện vọng về tái định cư tại chỗ, tái định cư nơi khác cũng như chính sách chuyển đổi việc làm cho đối tượng bị ảnh hưởng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi UBND quận Gò Vấp và UBND quận Bình Thạnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đơn vị sẽ phối hợp giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công dành cho công tác bồi thường hơn 9.300 tỷ đồng ngay trong tháng 12-2024, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư công của thành phố được phân bổ trong năm 2024 là hơn 79.000 tỷ đồng, hiện thành phố chỉ mới giải ngân khoảng 16.000 tỷ đồng. Trong số khoảng 63.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân, có đến 30.000 tỷ đồng là vốn dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ nút thắt mặt bằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.